Luật Đất đai 2024: Trợ giúp pháp lý cho người sử dụng đất
(TN&MT) - Luật Đất đai 2024 đã có những quy định rõ ràng, cụ thể về quyền của người dân trong quá trình thực hiện quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản đối với đất, đặc biệt Luật đã quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc trợ giúp pháp lý (TGPL) theo quy định của pháp luật cho người sử dụng đất trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, thủ tục hành chính về đất đai, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
Nhiều đổi mới về trợ giúp pháp lý đất đai
Theo Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, TGPL là 1 chính sách của Đảng và Nhà nước để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL thông qua các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng trong các lĩnh vực pháp luật (bao gồm lĩnh vực đất đai), trừ kinh doanh thương mại.
Thời gian qua, TGPL đã làm được nhiều việc thiết thực góp phần không nhỏ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Nhiều người được TGPL đã giành lại được quyền sử dụng đất đã bị tranh chấp lâu dài hoặc đã bị lừa gạt, chiếm đoạt...
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2019 đến hết tháng 12/2023 có 145.797 vụ việc TGPL, trong đó có 95.654 vụ việc tham gia tố tụng. Số vụ việc TGPL tham gia tố tụng hiệu quả, thành công (được hội đồng xét xử chấp thuận theo hướng có lợi cho người được TGPL như: được chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc tăng mức bồi thường thiệt hại...) trong giai đoạn này là 30.541 vụ việc (chiếm 31,9%). Số vụ việc TGPL trong lĩnh vực đất đai đã thực hiện từ 2019 - 2023 là 14.314 vụ việc.
Cũng theo Cục Trợ giúp pháp lý, Luật Đất đai 2024 đã có những quy định rõ ràng, cụ thể về quyền của người dân trong quá trình thực hiện quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản đối với đất, đặc biệt Luật đã quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm TGPL khi người được TGPL tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định cụ thể quyền được TGPL của người dân khi thực hiện chính sách, pháp luật đất đai, khi tham gia vào thủ tục hành chính trong quan hệ đất đai, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Theo đó, người sử dụng đất được TGPL về pháp luật đất đai bảo đảm tuân theo quy định của pháp luật về TGPL như: Đảm bảo phải đúng diện người được TGPL: Phải là một trong 14 diện người được TGPL theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý thì được yêu cầu Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước hoặc các tổ chức tham gia TGPL thực hiện trợ giúp pháp lý khi có tranh chấp, vướng mắc trong pháp luật đất đai; Yêu cầu trợ giúp pháp lý phải liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người được TGPL.
Ngoài quy định chung về quyền được TGPL, Luật Đất đai 2024 còn có những chính sách, quy định cụ thể cho một số đối tượng thuộc diện được TGPL như: Đối với người dân tộc thiểu số: thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đất đai lần đầu/hỗ trợ đất đai tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống (khoản 2, khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai); được giao đất, cho thuê đất theo các trường hợp cụ thể để thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người thuộc hàng thừa kế (Điều 48 Luật Đất đai); được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi sử dụng đất (điểm c khoản 1 Điều 157 Luật Đất đai); được giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách đất đai (điểm c khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai),...
Đối với người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo: được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi thực hiện chính sách nhà ở, đất ở cho người nghèo (điểm b khoản 1 Điều 157 Luật Đất đai); giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách đất đai (điểm c khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai),... Đối với người có công với cách mạng, được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở (điểm b khoản 156 1 Điều 157 Luật Đất đai); giao đất, cho thuê đất khi họ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất (điểm c khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai),...
Những quy định trên đã tiếp tục khẳng định vai trò của TGPL trong việc bảo đảm quyền của người dân khi gặp vướng mắc, tranh chấp về pháp luật đất đai, nhất là khi thuộc diện TGPL thì Nhà nước sẽ có cơ chế để bảo vệ quyền của họ. Tuy nhiên, quy định trên cũng đã đặt ra nhiệm vụ đối với công tác TGPL, đó là kết nối với cơ sở dữ liệu về đất đai để khai thác thông tin khi người được TGPL yêu cầu.
Tập trung truyền thông về trợ giúp pháp lý
Về nhiệm vụ, giải pháp về TGPL để triển khai Luật Đất đai 2024, Cục Trợ giúp pháp lý cho rằng, trước mắt, để triển khai hiệu quả quy định TGPL tại khoản 4 Điều 15 của Luật Đất đai 2024 cũng như bảo đảm chính sách, pháp luật về đất đai cho đối tượng thuộc diện được TGPL, công tác TGPL cần chú trọng tập trung truyền thông về TGPL gắn với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất; chú trọng những điểm mới của Luật Đất đai 2024, nhất là những quy định ưu đãi về đất đai cho những người yếu thế, hồ sơ, giấy tờ cần chuẩn bị khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai,...
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa TGPL và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giới thiệu, chuyển gửi các yêu cầu TGPL khi phát hiện đối tượng thuộc diện được TGPL có vướng mắc, tranh chấp pháp luật trong lĩnh vực đất đai nhằm kịp thời TGPL cho người dân khi họ có yêu cầu.
Ngoài ra, chuẩn bị nguồn lực (nhân lực và tài chính) để kịp thời, chủ động thực hiện các vụ việc TGPL trong lĩnh vực đất đai trong thời gian tới; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện TGPL. Kịp thời kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số cũng như yêu cầu TGPL của người dân trong thời gian tới...