(TN& MT) - Ngày 20/4, tại Hà Nội, Đại sứ quán Na Uy và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Điện gió ngoài khơi và Quy hoạch không gian biển Việt Nam”.
Hội thảo đề cao vai trò quan trọng của Quy hoạch không gian biển (QHKGB) giúp xác định các khu vực phù hợp cho các dự án năng lượng gió ngoài khơi. Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế xanh bằng cách thúc đẩy các công nghệ đổi mới, ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Theo Tiến sĩ Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam, trong đó điện gió ngoài khơi được coi là một trong những giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là nội dung có liên quan chặt chẽ đến Quy hoạch không gian biển đang được Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập và sẽ được trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
“Việc phân bổ hợp lý không gian sử dụng biển sẽ giúp đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế hiệu quả” – ông Thi nhấn mạnh.
Theo báo cáo “Kinh tế biển xanh – Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” do UNDP và Cục Biển và Hải đảo Việt Nam công bố tháng 5/2022, nếu thực hiện kịch bản "phát triển bền vững", ước tính các ngành kinh tế biển của Việt Nam có thể chiếm 34% GDP (~23,5 tỷ USD) vào năm 2030, trong khi GNI bình quân đầu người của người lao động trong các ngành này sẽ tăng tới 77,9 % (~7.100 USD) so với kịch bản thông thường.
Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi cho rằng: Việc đẩy nhanh quy hoạch không gian biển là điều cần thiết để mở ra tiềm năng to lớn về phát triển điện gió ngoài khơi cho Việt Nam, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững và các mục tiêu về biến đổi khí hậu đã công bố tại COP26, trong đó có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Quy hoạch không gian biển nên được cập nhật liên tục. Điều quan trọng là phải đảm bảo công khai quy trình xây dựng và ban hành Quy hoạch, đặc biệt trong xác định các khu vực phát triển điện gió xa bờ, có tham khảo ý kiến của mọi đối tượng trong xã hội. Sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương đóng vai trò rất quan trọng, giúp đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương.
Theo các chuyên gia, bằng cách tạo ra một khuôn khổ ra quyết định và huy động sự tham gia của các bên liên quan, QHKGB có thể đảm bảo sự phát triển bền vững về mặt xã hội và môi trường của các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam.
Ông Peter Haugan, Giám đốc Chính sách Viện Nghiên cứu Hải dương Na Uy nhận định, việc xây dựng dự án điện gió ngoài khơi cũng cần được tính toán kỹ lưỡng để có thể kết nối hài hòa với các ngành khác cũng như công tác bảo tồn biển. Điều này đòi hỏi các bên phải đánh giá tác động cụ thể của dự án với các ngành này trên cơ sở thu thập thêm nhiều kinh nghiệm, thông tin.
Các dự án điện gió ngoài khơi cần thực hiện khảo sát đầu kỳ tại khu vực biển triển khai dự án trước khi xây dựng, đồng thời, giám sát các thay đổi vật lý và sinh học tại khu vực đó trong giai đoạn vận hành và sau khi ngừng hoạt động. Cơ quan quản lý Nhà nước của các ngành, lĩnh vực liên quan cũng cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý cần thiết nhằm đảm bảo các nguyên tắc về quản lý tổng hợp vùng biển.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng chia sẻ tiến độ xây dựng QHKGB của Việt Nam, kinh nghiệm kinh nghiệm quy hoạch đại dương bền vững, phân vùng trong QHKGB, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại một số quốc gia, đánh giá các khu vực phát triển điện gió trong QHKGB.
Theo ông Tạ Đình Thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, cũng như Kế hoạch chi tiết số 355/KH-ĐGS 28/10/2022 về giám sát chuyên đề. Những kinh nghiệm quốc tế tại hội thảo sẽ rất hữu ích trong quá trình tham mưu phục vụ Đoàn giám sát kiến nghị về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan; cũng như phục vụ quá trình xem xét, thông qua Quy hoạch không gian biển trong thời gian tới.
Quy hoạch không gian biển định hướng sử dụng không gian biển bao gồm: Vùng trời, vùng đất ven biển, các đảo và quần đảo và vùng biển và vùng nước ven đảo. Trong đó, vùng biển dự kiến được phân thành 5 vùng: vùng cấm khai thác; vùng khai thác có điều kiện; khu vực khuyến khích phát triển đối với các ngành kinh tế biển; khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái; vùng nghiên cứu lập quy hoạch.
Đối với các khu vực được quy hoạch để phát triển điện gió ngoài khơi, hiện nay mới chỉ xác định các vùng biển có tiềm năng phát triển điện gió theo khu vực và địa danh các tỉnh như: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng.