Môi trường

Long An: Phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp

Bạch Thanh 07/11/2023 13:36

(TN&MT) - Ngày 07/11, Sở TN&MT Long An đã tổ chức Hội thảo tập huấn, phổ biến các quy định, chính sách của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các văn bản quy định chi tiết thi hành và công tác bảo vệ môi trường (BVMT) cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An; cùng hơn 200 đại biểu đại diện các khu/cụm công nghiệp... đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

h1.jpg
Ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Tân Thuấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An cho biết: Ngày 17/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường, với nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định như: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 01 giấy phép môi trường...

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường cũng đã đưa ra nhiều chính sách, từ cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Theo ông Nguyễn Tân Thuấn, với mục đích cập nhật các quy định, chính sách của Luật Bảo vệ môi trường 2020, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường và công tác BVMT cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; đồng thời, nâng cao nhận thức xã hội trong hoạt động BVMT; Sở TN&MT Long An tổ chức Hội thảo này kỳ vọng sẽ giúp các đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp có thêm những thông tin và cách tiếp cận mới nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác BVMT trong thời gian tới.

h2.jpg
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Tại Hội thảo, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã chia sẻ 02 chuyên đề có liên quan đến quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020. Trong đó, chuyên đề 1 xoay quanh những quy định các thủ tục hành chính về môi trường, như: đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; còn với chuyên đề 2 đi sâu các quy định mới về BVMT đối với các doanh nghiệp.

Theo đó, thủ tục hành chính về đánh giá tác động môi trường, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ lưu ý đến trường hợp dự án có sử dụng đất trồng lúa phải chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ thì thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc Bộ TN&MT. Đối với trường hợp dự án có sử dụng đất trồng lúa phải chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh thì thẩm quyền thẩm định, phê duyệt của UBND tỉnh. Trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án gửi nội dung tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường đến đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để tham vấn theo quy định.

h3(1).jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Riêng đối các dự án đầu tư nhóm I, nhóm II, nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường. Với dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường. Với những dự án đầu tư không phát sinh nước thải, bụi, khí thải, chất thải nguy hại phải được xử lý, quản lý trong giai đoạn vận hành chính thức thì không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.

Chia sẻ về các quy định mới về BVMT đối với các doanh nghiệp, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ nhấn mạnh đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thay đổi cách tiếp cận về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu có hai loại trách nhiệm: Trách nhiệm tái chế đối với sản phẩm, bao bì áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế; Trách nhiệm xử lý chất thải áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý.

Đối với trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì thì nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ thực hiện tái chế từ năm 2024 trở đi và được lựa chọn 1 trong 2 hình thức: Tự mình tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Nếu nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn tự mình tổ chức tái chế thì có thể tự thực hiện tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế hoặc ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế hoặc kết hợp các cách thức trên. Nếu nhà sản xuất, nhập khẩu không tự mình tổ chức tái chế mà lựa chọn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ đóng tiền theo định mức tái chế.

h4.jpg
Đại diện doanh nghiệp cùng trao đổi về các giải pháp BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Kết thúc nội dung trình bày của mình về BVMT đối với các doanh nghiệp, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ đề xuất các giải pháp cần thay đổi tư duy phát triển từ nền “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn”, từ “tăng trưởng nâu” sang “tăng trưởng xanh”, từ “chất thải’ đến “coi chất thải là tài nguyên”, từ “tiêu hủy chất thải” sang “tái chế chất thải”, từ “quan lý chất thải” sang “quản lý tổng hợp chất thải”.

Song song đó, cần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trên cơ sở ưu tiên triển khai các giải pháp tăng cường tái chế, trao đổi chất thải; cần xây dựng cơ chế, nguồn vốn khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất theo hướng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và BVMT; hỗ trợ tín dụng xanh, trái phiếu xanh, trợ giá sản phẩm tái chế; hình thành và phát triển thị trường các sản phẩm tái chế, xanh, sạch, thân thiện với môi trường, thị trường trao đổi tín chỉ các-bon.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đại diện doanh nghiệp tham dự cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi, làm rõ hơn về yêu cầu BVMT trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; về điều chỉnh hệ thống xử lý nước thải, khí thải; việc quy định về phát triển kinh tế tuần hoàn...; đồng thời, các đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm và cam kết thực hiện các biện pháp BVMT và tài nguyên trong hoạt động kinh doanh. Tất cả đều chung cảm nhận rằng, việc BVMT không chỉ tạo điều kiện tốt cho sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp mà còn đóng góp vào sự phát triển toàn diện của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long An: Phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO