Lợi ích kép của các giải pháp ứng phó BĐKH

28/12/2017 18:38

(TN&MT) - Việc đánh giá lợi ích kép về môi trường còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Đây là nhóm lợi ích thường dễ bị bỏ qua khi đánh giá hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp, chính sách vì khó đo lường, lượng hóa dưới dạng tiền tệ. Bởi vậy, các nhà khoa học Viện Khoa học Quản lý môi trường đã triển khai đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng lợi ích kép về môi trường của các hoạt động ứng phó với biến đối khí hậu ở Việt Nam”, nhằm góp phần làm rõ cách tiếp cận lợi ích kép về môi trường trong đánh giá các giải pháp, chính sách ứng phó với BĐKH trong quản lý chất thải, đặc biệt là các chính sách giảm nhẹ BĐKH.

Đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 – 2015. Trong bối cảnh nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH đang được triển khai và có ảnh hưởng trong lĩnh vực môi trường, việc đánh giá lợi ích kép sẽ góp phần chứng minh rằng lợi ích tổng thể của các giải pháp, chính sách về ứng phó với BĐKH mang lại.

Các giải pháp ứng phó BĐKH sẽ đồng thời giảm suy thoái môi trường
Các giải pháp ứng phó BĐKH sẽ đồng thời giảm suy thoái môi trường

Chất thải là lĩnh vực có tỷ trọng phát thải  KNK trên tổng lượng phát thải chiếm một tỷ lệ nhỏ (khoảng 5,3%) vào năm 2000, tuy nhiên lượng phát thải KNK trong lĩnh vực này sẽ ngày càng gia tăng do lượng phát sinh chất thải tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Trong phạm vi đề tài này, nghiên cứu tập trung vào việc phân tích, đánh giá lợi ích kép về môi trường đối với các giải pháp giảm nhẹ BĐKH trong lĩnh vực quản lý chất thải, cụ thể là chất thải rắn và nước thải.

Nghiên cứu đã lượng hóa được lợi ích của cải thiện chất lượng môi trường (CLMT) nước, cải thiện CLMT không khí, tiết kiệm chi phí sức khỏe và tăng doanh thu ngành du lịch do chất lượng môi trường, cảnh quan xung quanh được cải thiện. Kết quả tính toán lợi ích kép đối với các giải pháp giảm nhẹ BĐKH trong quản lý chất thải cho thấy, giải pháp về quản lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt đô thị có lợi ích được ước tính lớn nhất với tổng lợi ích là 5.446,04 tỷ đồng, trong đó, lợi ích của phương án thu hồi mêtan từ bãi chôn lấp là 5.102,28 tỷ đồng và phương án sản xuất phân hữu cơ là 343,76 tỷ đồng.

Giải pháp xử lý nước thải đô thị tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung bằng phương pháp hiếu khí và thu hồi mêtan từ xử lý bùn đem lại lợi ích lớn thứ hai (3.849,8 tỷ đồng). Tiếp đến là giải pháp thu hồi khí sinh học từ hệ thống hầm biogas (3.760 tỷ đồng). Giải pháp thu hồi xử lý nước thải công nghiệp bằng phương pháp kỵ khí kết hợp thu hồi mêtan đem lại lợi ích nhỏ nhất trong nhóm các giải pháp (2.575,54 tỷ đồng).

6 45545
Quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đem lại lợi ích kép lớn nhất

Trên cơ sở kết quả tính toán, các nhà khoa học đã chỉ ra 3 nhóm lợi ích kép chính. Nhóm lợi ích thứ nhất là doanh thu tiềm năng từ bán chứng chỉ CER để bán trên thị trường thế giới, tạo ra doanh thu trực tiếp cho chính phủ Việt Nam (ước tính là 460,58 tỷ đồng, chiếm 3%). Tuy nhiên, do giá bán chứng chỉ CER biến động theo thời gian tùy thuộc vào cung - cầu của thị trường và các thời điểm khác nhau của thị trường, vì thế doanh thu tiềm năng từ bán chứng chỉ CER có thể thay đổi.

Nhóm lợi ích thứ 2 là nhóm các lợi ích về môi trường, ước tính là 4.819,62 tỷ đồng, chiếm 30,85%. Trong đó, lợi ích về cải thiện CLMT nước và không khí là 3.962,26 tỷ đồng; lợi ích về tiết kiệm chi phí sức khỏe do cải thiện CLMT mang lại: 736,86 tỷ đồng; lợi ích về tăng doanh thu từ ngành du lịch là 120,5 tỷ đồng.

Nhóm lợi ích thứ ba là nhóm lợi ích về kinh tế đi kèm khác, bao gồm: lợi ích về năng lượng, phân bón và tiết kiệm quỹ đất do tác động của chính sách mang lại. Tổng giá trị lợi ích kinh tế được ước tính là 10.351,21 tỷ đồng (chiếm 66,15%). Trong đó, lợi ích về năng lượng là lớn nhất 9.137,3 tỷ đồng.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã xây dựng Báo cáo kết quả lượng hóa lợi ích về chất lượng môi trường nước của các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua quản lý nước thải sinh hoạt đô thị, nông thôn và nước thải công nghiệp; Báo cáo kết quả lượng hóa lợi ích về chất lượng môi trường không khí của các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua quản lý rác thải; Báo cáo đề xuất chính sách lồng ghép cách tiếp cận lợi ích kép trong đánh giá, thẩm định các chương trình, dự án về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và các tài liệu hướng dẫn đánh giá lợi ích lợi ích kép.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy lợi ích kép của các giải pháp giảm nhẹ BĐKH ở Việt Nam là đáng kể (khoảng 15.631,41 tỷ đồng). Qua đây, các nhà khoa học cũng kiến nghị cần mở rộng phạm vi nghiên cứu với các lợi ích kép về môi trường của các giải pháp giảm nhẹ BĐKH thông qua quản lý môi trường không khí, giao thông, năng lượng... Đây là những lĩnh vực phát thải nhiều KNK và việc thực hiện các giải pháp giảm phát thải KNK trong các lĩnh vực này cũng mang lại những lợi ích to lớn về môi trường. Qua đó, hỗ trợ các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách đánh giá tổng thể các hiệu quả mà các chính sách thích ứng BĐKH mang lại trong các ngành, lĩnh vực, từ đó ra quyết định trong việc lựa chọn lĩnh vực, giải pháp đầu tư ưu tiên để giảm phát thải KNK.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích kép của các giải pháp ứng phó BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO