Loạn dự án “ma”: Làm sao ngăn chặn?

Đình Du| 14/11/2019 13:41

(TN&MT) - Gần đây, dự án “ma” ngày càng bùng phát, tăng cả về số lượng lẫn mức độ công khai, kéo theo tình trạng lừa đảo khách hàng khắp nơi. Trong khi đó, phương thức chế tài của cơ quan chức năng chưa đủ mạnh, hữu hiệu cho “căn bệnh” nan giải này.

Bùng phát như “dịch bệnh”                 

Thời gian qua, người dân sử dụng điện thoại, mạng xã hội… tỏ ra rất khó chịu, bị làm phiền trước tình trạng các nhân viên môi giới nhà đất chủ động liên lạc chào mời mua các sản phẩm bất động sản ở TP.HCM và các tỉnh lân cận bất kể ngày đêm. Điều đáng nói, các dự án được quảng cáo này phần lớn không được cơ quan chức năng phê duyệt.

Chính quyền cắm biển thông báo dự án “ma” để người mua cảnh giác

Dự án “ma” tung hành ngang dọc khắp nơi, để đánh vào lòng tin, sự nhẹ dạ và sự thiếu hiểu biết các quy định trong đất đai của khách hàng, các công ty kinh doanh bất động sản “vẽ” nên các dự án “bánh vẽ”, các dự án chưa được phê duyệt, chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý… đã đã tổ chức rao bán công khai. Hệ quả nhiều dự án sau khi bị chính quyền “điểm huyệt”, bị phạt, thậm chí khởi tố vụ án lừa đảo… các chủ đầu tư “bỏ của chạy lấy người”, không trả tiền cho khách hàng khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, trắng tay, gia đình lục đục ly tán.

Theo một chủ đầu tư, một phần do thị trường địa ốc tuột dốc, ảm đạm, nguy cơ đóng băng… nhưng nguồn vốn ngân hàng khó tiếp cận, pháp lý xin phép xây dựng dự án bị siết chặt dẫn đến nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Để trụ lại nhiều doanh nghiệp loay hoay đủ mọi cách, từ huy động vốn khắp nơi đến tăng cổ phiếu mua bán, phát hành trái phiếu, thậm chí, vượt rào “bán lúa non” dự án chưa đầy đủ pháp lý… Mục đích chủ đầu tư đợi thị trường ấm trở lại nên mới làm liều như vậy.

Cần mạnh tay xử lý

Gần đây, loại hình kinh doanh đa cấp bị dư luận bóc phốt, lên án hành vi lừa đảo, do đó, có không ít nhân viên đa cấp đã chuyển qua hoạt động trong lĩnh vực môi giới, làm lãnh đạo một số công ty bất động sản. Với cách thức bán hàng “hoạt ngôn lém lỉnh”, đội ngũ này đã giúp nhiều doanh nghiệp, công ty địa ốc vượt qua “cái chết” lâm sàn.

Để đối phó với nhức nhối này, chính quyền địa phương các quận, huyện của TP.HCM đã liên tục phát đi cảnh báo, cắm biển hiệu, nhờ báo, đài đăng tải thông tin đến người dân phải cảnh giác kẻo “tiền mất tật mang” đối với các dự án “ma trên địa bàn. Điển hình, UBND phường Trường Thạnh, quận 9 đã phát thông báo về dự án “Khu dân cư cao cấp Long Phụng 1” nằm trên mặt tiền đường Lò Lu là dự án “ma”. 

Liên quan đến vụ việc nêu trên, trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng: Cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các đối tượng đăng thông tin mua bán dự án sai sự thật để chiêu dụ khách hàng. Các địa phương cần công bố rộng rãi quy hoạch, công bố thông tin các dự án đang triển khai, đủ điều kiện pháp lý mở bán tại địa phương mình.

“Còn người dân có nhu cầu đầu tư bất động sản phải tỉnh táo, đừng hám lợi khi đọc thông tin về rao bán nhà đất trên mạng với vị trí tốt nhưng giá quá rẻ. Việc góp vốn, đặt cọc, hợp tác đầu tư lại là thỏa thuận của Luật Dân sự. Nhưng Luật này quy định giá trị đặt cọc do hai bên tự thỏa thuận. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư, công ty môi giới lừa người dân đặc cọc vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng để lừa đảo”, ông Châu cho hay.

Lộng hành hơn, “cò” đất còn rao bán đất nền ở những vị trí đắc địa như: Học viện Cán bộ TP.HCM, quận Bình Thạnh; Khu Quân đội ở đường Thành Thái, quận 10, hay dự án Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, quận 3, TP.HCM. Mục đích rao bán của các đối tượng này là để dụ “con mồi” mua đất nền ở vùng ven và các tỉnh “vệ tinh” của Sài Thành.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Nhân, nhiều sàn giao dịch bất động sản hiện nay có đội ngũ lãnh đạo, nhân viên có nguồn gốc từ bán hàng đa cấp. Thay vì môi giới theo đúng chất lượng để giữ uy tín, họ lại dùng các kỷ xảo để lừa lối khách hàng. Họ kéo được khách hàng, kích thích sức mua của người dân để cứu những dự án, doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản. Có thể nói, họ là người hùng nhưng cũng chính họ cũng là người góp phần làm lũng đoạn thị trường bất động sản thời gian qua.

Việc dự án “ma” hoành hành, một phần do sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng. Trên thực tế, từ xã, phường đến quận, huyện và thành phố đều có lực lượng thanh tra nhưng công tác giám sát, xử lý hiện nay vẫn chưa hiệu quả. Còn các công ty kinh doanh địa ốc qua mặt, lách luật moi tiền khách hàng bằng các hợp đồng góp vốn, thỏa thuận đặt cọc. Để khi xảy ra tranh chấp, phần lớn các vụ kiện chỉ là… dân sự, khách hàng vẫn là người bị thiệt thòi, thậm chí tiền mất tật mang.

Theo Bất động sản
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loạn dự án “ma”: Làm sao ngăn chặn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO