Tính đến sáng 2/8, Đắk Lắk là tỉnh có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất khu vực Tây Nguyên. Hiện tại, công tác phòng, chống dịch đang được triển khai hết sức quyết liệt và đồng bộ ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, do áp lực từ việc người dân từ tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh di chuyển về và đi ngang qua trong những ngày gần đây rất lớn nên việc truy vết, phòng dịch gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc quản lý về rác thải sinh hoạt và rác thải y tế cũng kéo theo nhiều vấn đề mới phát sinh.
Rác thải y tế sau khi thu gom được phun khử trùng |
Theo ông Y Giang Gry Niê Knơng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, sau khi nhận được Công văn số 2743/BTNMT-TCMT ngày 21/5/2021 của Bộ TN&MT về việc tăng cường phối hợp trong xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà và các khu vực cách ly khác) trên địa bàn tỉnh khẩn trương xây dựng, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, và xử lý chất thải, đặc biệt đối với chất thải y tế tại các khu vực nêu trên để phù hợp với việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 tại Công điện số 600/CĐ-BCĐ ngày 5/5/2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Tăng cường việc tổ chức thực hiện và thường xuyên giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLTBYT-BTNMT, ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ TN&MT quy định về quản lý chất thải y tế, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/5/2015 của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại.
Chú trọng việc thu gom rác thải y tế trong mùa dịch |
Ngoài ra, ưu tiên xử lý tại chỗ chất thải y tế lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở y tế, cụm cơ sở y tế tại địa phương có công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế theo quy định hoặc các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương. Trong trường hợp cơ sở xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh không đảm bảo năng lực xử lý chất thải y tế hoặc không đủ hạ tầng xử lý chất thải y tế thì chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại các địa phương khác để hỗ trợ xử lý chất thải y tế.
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là trong những ngày qua số ca bệnh tại một số khu vực cách lý tập trung tăng, cùng với đó, việc truy vết các trường hợp F1 trong suốt thời gian qua đã tạo ra một lượng rác thải y tế như bao tay, khẩu trang, đồ bảo hộ… khá lớn. “Hiện tại, Sở đang làm Văn bản tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương trong công tác xử lý các loại chất thải y tế, nhất là ở các trung tâm y tế, khu cách lý tập trung. Thời gian tới, Sở sẽ thành lập Đoàn công tác phối hợp Sở Y tế, sau khi được trang bị đầy đủ bảo hộ phòng dịch rồi tiến hành đi kiểm tra, hỗ trợ cách xử lý rác thải y tế ở các địa phương” - Ông Hiệp chia sẻ.
Sở TN&MT cũng đã phối hợp với Sở Y tế Đắk Nông trong công tác giám sát, quản lý chất thải y tế nói chung và chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý chất thải y tế, chất thải nguy hại. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Y tế trong công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; chỉ đạo đơn vị chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải y tế của các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý. Khi phát hiện hành vi vi phạm liên quan đến chất thải y tế trên địa bàn, cần kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định.