Loại bỏ lợi ích hẹp hòi

25/10/2018 15:59

(TN&MT) - Những kết quả nghiên cứu độc lập đang chỉ ra hàng loạt mối nguy cho cuộc sống thường nhật của người dân. Bao mối lo về những làng công nghiệp biến thành làng ung thư, những trung tâm cung cấp thực phẩm cho người dân thành mối hiểm họa bởi thói “ăn xổi”, hám lợi của chính những người chủ đồng ruộng…

Và bao nguy cơ khác xâm lấn từ bên ngoài kiểu như phân bón giả làm bà con điêu đứng trên đồng ruộng, đồ chơi trẻ em nhiễm chất độc hại cho sức khoẻ, những nguồn nước bị các nhà máy công nghiệp xả chất độc gây ô nhiễm…

1
 Hãy giữ màu xanh cho thế hệ mai sau

Cũng đã có lúc, các cơ quan chức năng và cả giới truyền thông đồng loạt vào cuộc.

Những tưởng các mối họa sẽ vơi bớt. Nhưng, sau những hô hào, những quyết định được ban hành, nhiều hiểm họa lại quay về vạch xuất phát ban đầu.

Của đau con xót, ai thiệt trước phải kêu trước. Song mọi lời kêu gọi, mọi kiến nghị nếu không xuất phát từ mục tiêu chung mà chỉ nhăm nhăm vào những lợi ích các nhân, cục bộ, tất sẽ không thể giải quyết được những mẫu thuẫn giữa lợi ích riêng và quyền lợi chung.

Chẳng hạn, với việc đồ chơi cho trẻ em có nhiễm chất độc hại, phân bón giả… các cơ quan quản lý sẽ khó có thể “bao quát” hết thị trường nếu tự thân các nhà sản xuất không liên kết, không quyên tiền để nghiên cứu xây dựng chuẩn, có ở xứ nào quan viên nhà nước bỗng dưng sốt sắng lo thay doanh nghiệp (?), bởi quan chức nào mà thạo về tiêu chuẩn đồ chơi trẻ em hơn chính những nhà sản xuất đồ chơi(?), có ai thạo về chất lượng phân bón hơn chính nhà sản xuất?

Cũng như thế, việc các nhà máy sản xuất cứ “vô tư” xả chất độc hại ra môi trường, bỏ qua hẳn các bước bắt buộc phải xử lý, đã khiến nhiều dòng sông chết ngạt, nhiều khu dân cư sặc trong khí độc… Và chỉ đến khi đó, “người ta” mới vào cuộc, mới triển khai các quyết định… Nhưng khi đó, mọi việc đã xong xuôi.

Rõ ràng, thụ động và chậm phản ứng là cái giá chúng ta phải trả cho tư duy nặng tính hành chính của các cơ quan quản lý, cho kiểu hành xử ỷ lại, chờ chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện từ bên trên.

2
Lúi húi với những dan díu quyền lợi hẹp, ai sẽ lo cho mái nhà chung?

Chậm phản ứng cũng còn là cái giá chúng ta phải trả cho sự thiếu các trung tâm phản biện và dự báo chính sách độc lập. Quan chức Nhà nước không hiếm người thông minh và đầy sáng tạo; song trong một bộ máy quyền lực mang tính tuân thủ, dường như chấp hành phổ biến hơn cạnh tranh ý tưởng. Lợi ích gần bó viễn kiến xa xôi.

Có nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bó hẹp bởi những lợi ích địa phương, thỏa hiệp với những nhóm quyền lực nhằm duy trì chức vụ của mình, trong cấu trúc quản trị quốc gia chúng ta thấy nổi lên hầu hết là lợi ích các tỉnh, các ngành mà thiếu vắng các thiết chế đại diện cho lợi ích toàn quốc gia. Lúi húi với những dan díu quyền lợi hẹp, ai sẽ lo cho mái nhà chung?

Giới doanh nhân dũng cảm, giới chức cầm quyền có liêm sỉ, giới trí thức có bản lĩnh độc lập, nếu từng ấy lực lượng góp phần dẫn dắt và trung thực phục vụ những người dân được mở mang tâm trí, chúng ta không lo thiếu người và nguồn lực để giữ mái nhà chung. Một cuộc cải cách dường như rất cần để giúp chính quyền nước ta vừa gần dân, vừa mạnh mẽ và hiệu năng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loại bỏ lợi ích hẹp hòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO