Với sự đánh giá cao của Hội đồng giám khảo và các nước, đoàn Việt Nam đã nhận được 3 Huy chương vàng. Trong đó, công trình lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha của Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường - Đại học Bách khoa Hà Nội được đánh giá thân thiện môi trường.
Phù hợp với rác thải chưa phân loại
Từ nhiều năm nay, tình trạng rác thải không được xử lý là vấn đề nan giải với nhiều địa phương, gây tác động xấu tới môi trường và sức khỏe người dân. Đặc biệt, do không được phân loại, việc xử lý rác thải ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi những giải pháp riêng, phù hợp. Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường đã nghiên cứu và đưa ra được những giải pháp xử lý phù hợp với công trình lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha, được ứng dụng hiệu quả ở nhiều địa phương trên cả nước. Với công suất xử lý 2 tấn rác/giờ, lò đốt phù hợp quy mô cấp huyện, thị xã hoặc thành phố cấp 3 với tổng lượng rác có thể xử lý từ 50 đến 150 tấn/ngày.
Tác giả công trình, Thạc sĩ Đàm Thị Lan, cho biết: Đây là công nghệ đốt có kiểm soát nhiệt và không cần nhiên liệu đốt kèm. Lượng nhiệt duy trì quá trình cháy trong lò do bản thân rác thải tạo ra trên cơ sở tận dụng tối đa lượng nhiệt bức xạ, lượng nhiệt trong quá trình phản ứng hóa học phân hủy rác mà không cần dùng đến bất kỳ nguồn năng lượng nào từ bên ngoài. Công nghệ lò đốt loại này dựa hoàn toàn trên cơ sở đối lưu tự nhiên của dòng vật chất do sự chênh lệch nhiệt độ tạo ra. Việc kiểm soát và cung cấp ôxy trong quá trình cháy được điều khiển bằng việc đóng mở các cửa cấp gió bên dưới hoặc bên trên thân lò. Công nghệ khí hóa rác thải được tận dụng triệt để, tạo ra lượng khí cháy, làm cháy ngay các lớp trên của vật liệu. Với việc duy trì nhiệt độ cao, ổn định tại các buồng đốt sơ cấp và thứ cấp, phần lớn các chất hữu cơ và hydrocarbon được phân hủy triệt để, mùi hôi thối được loại trừ hoàn toàn. Các chất bốc và khí thải sinh ra trong quá trình cháy được đốt triệt để trong lò nhờ kết cấu đặc thù với thời gian lưu khói lớn, trên 5 giây.
Chia sẻ về những điểm mới, những đặc tính của sản phẩm, theo Thạc sĩ Đàm Thị Lan, lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha có thêm một buồng lưu khí. Đây là một trong những bí quyết công nghệ quan trọng để lò đốt rác vừa bảo đảm toàn bộ khí cháy hết ở nhiệt độ cao mà vẫn đáp ứng yêu cầu tiết kiệm tối đa nhiên liệu sử dụng. Khí thải sau khi ra khỏi buồng đốt thứ cấp được đốt cháy tiếp một thời gian ở nhiệt độ cao trong buồng lưu khí, do vậy được đốt cháy triệt để thành phần khí và chất hữu cơ còn sót lại, tăng thời gian lưu khí trước khi ra ngoài. Chính vì vậy, công nghệ bảo đảm xử lý được tất cả các loại rác thải sinh hoạt với độ ẩm lên đến 50% mà không gây ô nhiễm môi trường.
Hoàn thiện để giảm giá thành
Theo đánh giá của Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha là một sản phẩm công nghệ nội địa hoàn toàn mới ở Việt Nam, được nghiên cứu bằng cả lý thuyết và thực nghiệm. Sản phẩm đã được thử nghiệm với các loại rác nông thôn, thành thị, rác hỗn tạp, rất đặc thù ở Việt Nam và cho kết quả tốt. Do được nghiên cứu một cách bài bản, khoa học, lò đốt đã đạt được nhiều ưu điểm lớn, đó là phù hợp với điều kiện rác thải hỗn tạp ở Việt Nam, chi phí đầu tư và chi phí vận hành thấp, khói thải ra môi trường đạt QCVN30:2012/BTNMT, đặc biệt, không tiêu hao nhiên liệu trong quá trình đốt kèm. Sản phẩm từng đạt Giải thưởng môi trường Việt Nam năm 2013, được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội năm 2013. Hiện nay, công nghệ đã hoàn thiện và được áp dụng rộng rãi tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc như Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng, Bình Dương, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Thái Bình...
Huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, là một trong những địa phương đã đưa vào sử dụng mô hình lò đốt BD-Anpha từ năm 2013 với kinh phí đầu tư 2 tỷ đồng. Ông Lê Văn Thập, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nga Sơn cho biết: Mô hình lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha khi đưa vào sử dụng đã đạt hiệu quả tốt; khói đưa ra trắng, vật liệu đốt ban đầu là củi nên chi phí khá thấp, sử dụng hết nguồn rác thải sinh hoạt ở các xã. Nhưng nhược điểm là công nghệ đầu vào có giá thành còn cao nên các địa phương khó có thể áp dụng rộng rãi.
Theo Thạc sĩ Đàm Thị Lan, quá trình khảo sát cho thấy, nhiều địa phương, doanh nghiệp chia sẻ, dù có nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt nhưng chưa có đủ vốn, mặt bằng. Bên cạnh đó, việc xây dựng một cơ chế vận hành và sử dụng hợp lý nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của lò đốt là hết sức cần thiết. Trong thời gian tới, Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường sẽ hoàn thiện hơn nữa công nghệ và giảm giá thành để mô hình này có thể áp dụng rộng rãi trong xã hội.