Khoa học & Công nghệ

Xây dựng cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo lĩnh vực thủy lợi

Thuỷ Nguyễn 14/11/2024 - 18:43

(TN&MT) - Ngày 14/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Khoa học và Công nghệ thủy lợi – 80 năm phát triển và đồng hành cùng đất nước (1945-2025).

Nhiều thành tựu vượt bậc của ngành thủy lợi

Qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, ngành thủy lợi đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, manh mún, hàng năm phải nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam có thể vượt 60 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu gạo lần đầu tiên vượt 5 tỷ USD. Thành tựu này có sự đóng góp rất lớn của sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của hệ thống công trình thủy lợi trên cả nước.

Theo Cục Thủy lợi, hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được hơn 900 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ từ 200 ha trở lên; trong đó, có 122 hệ thống vừa và lớn phục vụ trên 2.000 ha, hơn 40.000 km đê sông và đê biển đã được xây dựng phục vụ và bảo vệ hoạt động dân sinh, sản xuất các ngành kinh tế. Cả nước có gần 8.000 đập và hồ chứa với tổng dung tích trữ khoảng 68 tỷ m3 nước, góp phần điều hòa và phân bổ nguồn nước hiệu quả.

khoa-hoc-cong-nghe-dong-luc-thuc-day-thuy-loi-di-truoc-160655_905-160901.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định: Thành tựu 80 năm qua của ngành thủy lợi không thể tách rời vai trò then chốt của khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ đã và đang là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành. Từ những nghiên cứu cơ bản về thủy văn, địa chất công trình, vật liệu xây dựng... đến việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý vận hành công trình thủy lợi, khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng tạo nên những bước tiến vượt bậc cho ngành.

Thúc đẩy sự phát triển bền vững thủy lợi trong tương lai

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện nay, biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước, ô nhiễm môi trường và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng là những vấn đề cấp bách mà ngành thủy lợi cần phải đối mặt và giải quyết. Những ý tưởng sáng tạo, những công nghệ tiên tiến sẽ giải quyết các vấn đề cấp bách và thúc đẩy sự phát triển bền vững thủy lợi trong tương lai.

Theo đó, Ngành thủy lợi cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và thu hút nhân tài. Đồng thời, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp cận tri thức và công nghệ tiên tiến, cũng như tăng cường liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để ứng dụng nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Theo Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong, các thành tựu khoa học công nghệ đã được áp dụng hiệu quả, điển hình như các hệ thống thủy lợi lớn như Bắc Hưng Hải, Cầu Sơn, Cấm Sơn. Những công trình này không chỉ hỗ trợ tưới tiêu mà còn đóng góp vào công tác phòng chống thiên tai, ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

z6032416776149_118d2f35c6d383a2fb8af374d97edfe4(1).jpg
Quang cảnh Hội nghị

Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi cũng là một trọng tâm, với việc áp dụng công nghệ tự động trong quan trắc, dự báo và quản lý các công trình lớn như hồ Tả Trạch và Cửa Đạt. Bên cạnh đó, ngành thủy lợi hiện nay không chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn đảm nhận các nhiệm vụ đa ngành, như cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trước thách thức trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, Cục trưởng Cục Thủy lợi cho rằng cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác quản lý thực tiễn và khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề hiện tại và dự báo tương lai.

Tập trung phát triển nhân lực thủy lợi

GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho biết, trong Chiến lược phát triển trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nhà trường đặt mục tiêu trở thành một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, định hướng nghiên cứu, nằm trong Top 10 trường đại học hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, kinh tế và quản lý, đặc biệt là trong thủy lợi, tài nguyên môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhà trường cũng coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, với nhiều đề tài giá trị về quản lý nguồn nước, kiểm soát lũ lụt, xử lý xâm nhập mặn - những vấn đề cấp thiết mà đất nước đang đối mặt.

Tuy nhiên, để nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cho ngành, lãnh đạo Trường Đại học Thủy lợi cho rằng định hướng phát triển nguồn nhân lực ngành thủy lợi trong thời kỳ mới tập trung vào đa dạng hóa và nâng cao chất lượng đào tạo, không chỉ chú trọng kỹ thuật chuyên môn mà còn bám sát nhu cầu thực tiễn.

Chương trình đào tạo cần trang bị thêm các kỹ năng về phân tích dữ liệu, quản lý tài nguyên nước và xây dựng mô hình phát triển bền vững. Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua việc trao đổi kinh nghiệm và học hỏi các mô hình tiên tiến từ các quốc gia phát triển. Đặc biệt, các chương trình đào tạo tiên tiến cần tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên tham gia vào các dự án thực tế, giúp tích lũy kinh nghiệm và áp dụng kiến thức vào thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo lĩnh vực thủy lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO