Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng năng lượng trong tương lai gần khi nhu cầu tiêu dùng năng lượng tăng cao kéo theo bùng phát lượng phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu và những hệ lụy của hiện tượng thời tiết cực đoan. Trước thực trạng đó, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được coi là một trong những nguồn năng lượng xanh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới.
Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng năng lượng trong tương lai gần khi nhu cầu tiêu dùng năng lượng tăng cao kéo theo bùng phát lượng phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu và những hệ lụy của hiện tượng thời tiết cực đoan. Trước thực trạng đó, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được coi là một trong những nguồn năng lượng xanh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới.
Khí thiên nhiên hóa lỏng LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên có thành phần chủ yếu là CH4 - Methane 94,3% và lượng nhỏ C2H6, không màu, không mùi, không độc hại và không tính ăn mòn.
Đặc biệt, khí LNG là nguồn năng lượng sạch với hàm lượng khí thải thấp hơn rất nhiều so với các loại nhiên liệu hóa thạch phổ biến khác như than đá, xăng, dầu. Quá trình đốt cháy khí tự nhiên không thải ra muội than, bụi hoặc khói. Nó tạo ra ít hơn 30% CO2 so với dầu nhiên liệu và 45% so với than đá, với việc giảm 2 lần lượng khí thải nitơ oxit và hầu như không có khí thải SO2 gây hại cho môi trường. Theo đó, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới lựa chọn LNG trở thành nhiên liệu chính giúp giảm sự phụ thuộc vào than đá và xăng dầu
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, việc chuyển sang sử dụng LNG giúp các phương tiện giao thông giảm lượng khí thải từ 13% - 21% so với xăng và dầu diesel. Bên cạnh đó, LNG còn có hiệu suất đốt cháy rất cao, giúp chủ phương tiện tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhiên liệu. Do vậy, LNG thực sự là nguồn năng lượng sạch, giúp cắt giảm khí thải và bảo vệ môi trường hiệu quả.
LNG được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến -162°C sau khi đã loại bỏ các tạp chất (tùy vào tỷ lệ thành phần hỗn hợp trong chất khí), giảm thể tích xuống 600 lần so với khí thiên nhiên CNG, giúp dễ dàng bảo quản và vận chuyển.
Với tất cả những ưu điểm trên, việc sử dụng LNG là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới, LNG đóng vai trò là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường hơn. Đây được xem là giải pháp “cứu cánh” cho rất nhiều vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính, để đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng cho sự phát triển bền vững.
Ở nước ta, việc nhập khẩu LNG cũng được xem là giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nghị Quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đã đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG” đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.
Trong bối cảnh, sản lượng khí nội địa suy giảm, sự không chắc chắn về tính thời vụ của thủy điện, sự thiếu ổn định của năng lượng tái tạo và lo ngại ngày càng tăng về tính bền vững của sản xuất nhiệt điện than, cũng như triển khai các giải pháp để đảm bảo mục tiêu cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050, khí LNG sẽ là một nguồn năng lượng không thể thiếu đối với đất nước và trở thành một thành phần quan trọng trong tăng trưởng năng lượng của quốc gia, hướng tới một tương lai năng lượng sạch hơn tại Việt Nam.
Quy hoạch điện VIII xác định rõ quan điểm phát triển là giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2; đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy nhiệt điện khí LNG có tổng công suất 22.400 MW, đến năm 2035 có thêm 2 nhà máy với công suất 3.000 MW. Việc xác định địa điểm xây dựng các nhà máy này căn cứ theo nhu cầu, cân đối nội vùng ở khu vực phía Bắc, Bắc Trung Bộ và khu vực phía Nam.