Cần lấp đầy các khoảng trống pháp lý trong Luật Điện lực (sửa đổi)
Sáng ngày 16/10, Hội Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm "Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW và Kết luận 76-KL/TW" nhằm trao đổi và đưa ra các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Tới tham dự toạ đàm có gần 50 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ: Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Hội Dầu khí Việt Nam, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ cùng các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng, các đơn vị thành viên đã đang triển khai các dự án điện khí, kho cảng và điện khí LNG và Điện gió ngoài khơi như: PV Gas, PV Power, PTSC...
Phát biểu khai mạc tọa đàm Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết: Việc hiện thực hóa các dự án nguồn điện khí, khí LNG và Điện gió ngoài khơi vẫn tiếp tục gặp khó khăn vướng mắc đối với các cấp quản lý, các chủ thể và nhà đầu tư trong chuỗi dự án. Điều đó dẫn tới nguy cơ làm chậm và không đảm bảo tốc độ phát triển các dự án nguồn điện trong ngắn hạn và dài hạn theo chủ trương của NQ 55/TW, quy hoạch năng lượng Quốc gia và quy hoạch điện VIII.
"Đây là giai đoạn quan trọng để cùng trao đổi các luận cứ, các đánh giá cả về pháp lý và thực tiễn và cùng rà soát để đưa ra các ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Điện lực, trong đó các cơ chế chính sách đang cần được gấp rút xây dựng và trình Quốc Hội ban hành. Đồng thời, cũng đề xuất các cơ chế chính sách liên quan đến phát triển hạ tầng năng lượng Quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia và phát triển kinh tế đất nước" ông Thập nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, TS. Nguyễn Hùng Dũng kiến nghị, cần bổ sung quy định, cơ chế giải quyết các vướng mắc về chính sách trong hoạt động điện lực; xây dựng cơ chế bảo lãnh, quản lý Chính phủ về đa dạng hóa đầu tư hạ tầng truyền tải điện; xây dựng cơ chế giá trị phí truyền tải điện theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, dự thảo Luật cần có quy định cụ thể về cước phí nhập khẩu, tồn kho và phối hợp khí. Đồng thời, bảo đảm sửa đổi, bổ sung đồng bộ các luật liên quan như Luật Bảo vệ môi trường; các Luật về Thuế; Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo.
Nghị quyết 55/NQ-BCT của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh yêu cầu phát triển công nghiệp khí, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mục tiêu đưa ra là đủ năng lực nhập khẩu khí LNG khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và 15 tỷ m3 vào năm 2045, ông Dũng cho biết.
Tại Hội nghị đại diện Bộ Công Thương cũng đã khẳng định phát triển nhiệt điện khí, bao gồm cả tự nhiên và LNG là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, “Bởi nguồn điện LNG có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2”.
Về điện gió ngoài khơi, TS. Dư Văn Toán, chuyên gia về năng lượng tái tạo cũng nêu những vướng mắc của dự án điện gió ngoài khơi. Đó là chưa rõ cấp có thẩm quyền giao khu vực biển, cho phép hay chấp thuận cho các tổ chức sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát, nhằm phục vụ lập dự án điện gió ngoài khơi. Đồng thời, còn vướng mắc về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Đại diện Ban Điện và Năng lượng tái tạo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, theo quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, công suất đặt điện gió ngoài khơi là 6.000 MW chiếm 4,0% công suất đặt của hệ thống; đến năm 2050, công suất đặt điện gió ngoài khơi là 70.000 - 91.500 MW chiếm 14,3 - 16% công suất đặt của hệ thống, đứng thứ hai tính theo quy mô công suất đặt. Điện gió ngoài khơi phục vụ xuất khẩu được khuyến khích phát triển không giới hạn.
Các chuyên gia năng lượng có chung nhận định, Quy hoạch điện VIII về tổng thể đã thống nhất được một phương án "đủ và xanh" nhưng có thể khó thực hiện hơn Quy hoạch điện VII điều chỉnh do sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện giá cao như điện khí và điện tái tạo. Trong khi các công nghệ thay thế nhiên liệu đầu vào như hydro, ammoniac cho các nhà máy nhiệt điện vẫn chỉ đang ở giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm.
Tại tọa đàm các đơn vị thành viên đã, đang triển khai các dự án điện khí, kho cảng và điện khí LNG và điện gió ngoài khơi như: PV Gas, PV Power, PTSC cũng đã trình bày tham luận về cơ chế chính sách cho LNG, điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo hiện trạng và thách thức, các vấn đề pháp lý trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW, Kết luận số 76-KL/TW để các bên cùng hiểu rõ, nắm sâu và đưa ra tiếng nói phản biện, góp ý khoa học góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực nói riêng và các Bộ Luật liên quan nói chung.