Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030 tại Quảng Nam đã được Chính phủ thống nhất thông qua tại Văn bản số 7168/VPCP-KGVX ngày 11/9/2015. Theo đó, vùng quy hoạch sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam thuộc địa bàn 7 xã của huyện Nam Trà My (Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang, Trà Tập, Trà Don, Trà Dơn, Trà Leng).
Diện tích quy hoạch phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh của Quảng Nam là 15 nghìn héc ta đất rừng có đủ các yếu tố phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh. Mục tiêu đến năm 2020 diện tích bảo tồn nguồn giống và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My đạt 665,4 ha. Đến năm 2025 trồng thêm 2.000 ha, những năm tiếp theo sẽ trồng hết diện tích quy hoạch. Hằng năm, khai thác bình quân 200 đến 300 ha sâm và thực hiện trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác, đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa mũi nhọn góp phần phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam.
Sau gần 3 năm thực hiện quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững cây sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam, diện tích trồng sâm hiện nay đang ngày càng được mở rộng, với sự tham gia của người dân bản địa và nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đã đề ra thì cần phải có nhiều những giải pháp đồng bộ, lâu dài và bền vững.
Tại buổi lễ ký kết, ông Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết: Trong khi nguồn lực đất đai dồi dào nhưng số lượng cây giống để phát triển trồng mới còn rất hạn chế. Việc tạo cây giống hiện chủ yếu do người dân thu hoạch hạt, tự nhân giống theo kinh nghiệm, nhiều khi không bảo đảm số lượng, chất lượng. Bên cạnh đó, là nguy cơ các loại giống sâm khác xâm nhập, di thực vào vùng sâm Ngọc Linh. Thông qua sự hợp tác với tỉnh Quảng Nam nhằm nghiên cứu công nghệ bảo tồn giống và nguồn gen của sâm Ngọc Linh, nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô; chọn tạo giống sâm Ngọc Linh phục vụ mục tiêu mở rộng di thực sang các vùng có độ cao thấp hơn và các điều kiện canh tác ứng dụng công nghệ cao, để tổ chức sản xuất tập trung quy mô hàng hóa. Đầu tư công nghệ cao chế biến ra nhiều sản phẩm từ dược liệu và sâm Ngọc Linh.
Sau khi thảo luận, hai bên đã đi đến thống nhất ký kết hợp tác một số nội dung gồm: Thành lập một số HTX trồng, chế biến Sâm Ngọc Linh và dược liệu tại huyện Nam Trà My; đồng thời lựa chọn 01 HTX tham gia mô hình HTX sản xuất, chế biến Sâm Ngọc Linh và dược liệu, gắn với chuỗi giá trị.
Nâng cấp Trung tâm sâm Ngọc Linh của huyện Nam Trà My để nhân giống vô tính theo phương pháp nuôi cấy mô; tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả máy móc thiết bị để nghiên cứu phát triển công nghệ nuôi cấy mô giống sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam.
Nghiên cứu chế biến sâu sâm Ngọc Linh để chế biến sản phẩm cao cấp từ sâm Ngọc Linh về dược phẩm, mỹ phẩm; đầu tư trang thiết bị để kiểm nghiệm; xây dựng quy trình để kiểm nghiệm chất lượng sâm củ.
Nghiên cứu bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh; trong đó, tập trung các biện pháp chọn giống và ứng dụng khoa học công nghệ để di thực, mở rộng vùng trồng sâm; xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn để góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sâm và tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm dược liệu của cả nước.