Tối 1/8, UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) tổ chức khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 6 với chủ đề “Ngọc Linh – mãi mãi tự hào”.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh trên thị trường trong và ngoài nước; giới thiệu đến du khách các nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Nam Trà My...
Các hoạt động chính bao gồm: Lễ rước biểu tượng sâm Ngọc Linh; Phiên chợ sâm Ngọc Linh và Dược liệu miền núi; Hội thi trình diễn cây Nêu; Hội thi sâm Ngọc Linh trên sân khấu…
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam, hiện phân bố chủ yếu ở huyện Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam và huyện Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum. Loài cây này được xem là “vàng xanh” mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng, đã được công nhận là sản phẩm Quốc gia từ năm 2017.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị huyện Nam Trà My cần triển khai thực hiện có hiệu quả quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn và phát triển giống sâm Ngọc Linh gốc, không du nhập các loại giống sâm khác vào trồng trên địa bàn. Phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi gian dối, trục lợi bất chính trong việc tạo giống, trồng, buôn bán sâm Ngọc Linh giả.
“Yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt các quy định pháp luật liên quan trong việc trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Đẩy mạnh sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, góp phần làm tăng giá trị của cây dược liệu quý này.
Tận dụng lợi thế về cây dược liệu, cây sâm Ngọc Linh để tập trung phát triển du lịch sinh thái, nhất là du lịch vùng sâm. Gắn chặt việc trồng sâm với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái rừng trên địa bàn. Tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển sâm Ngọc Linh cả về số lượng, chất lượng vươn ra tầm thế giới, xứng đám tầm sản phẩm quốc gia ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.
Sâm Ngọc Linh là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao trong số những loại cây trồng hiện nay, đặc tính của nó chỉ sống được ở dưới tán rừng tự nhiên, nên việc trồng sâm Ngọc Linh còn giúp bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sống.
Huyện Nam Trà My đã quy hoạch vùng trồng sâm với diện tích trên 15.000ha; thực hiện bảo tồn được khoảng 100ha, tương đương với khoảng 2 triệu cây và phát triển vùng nguyên liệu sâm trên 1.650ha với hơn 1.500 hộ dân tham gia trồng; thu hút 18 doanh nghiệp đăng ký trồng Sâm dưới tán rừng, với diện tích hơn 341,75ha.