Xã hội

Quảng Nam: Kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam

Lan Anh 26/06/2024 - 13:46

Ngày 26/6, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh vừa có Tờ trình số 4570/TTr - UBND kính gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, đề xuất một số chủ trương về chương trình phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Quảng Nam là một trong 2 địa phương (cùng với tỉnh Kon Tum) có cây đặc hữu sâm Ngọc Linh được xem là cây quốc bảo của Việt Nam. Căn cứ Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 1/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phát triển sâm trên địa bàn tỉnh và bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

sam2.jpg
Sâm Ngọc Linh được xem là cây xóa đói giảm nghèo của người dân miền núi Quảng Nam và là quốc bảo của Việt Nam

Hiện nay, cây sâm Ngọc Linh đã và đang từng bước phát triển, tạo nên diện mạo mới và thu nhập ổn định cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đã được xác định là 15.567 ha (trong đó từ độ cao 2.000 m trở lên là 2.238 ha, ở độ cao từ 1.200 - 2.000 m là 13.329 ha). Ngoài ra, tỉnh đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị sự nghiệp công lập Nhà nước đang thực hiện chăm sóc và bảo vệ vườn sâm giống gốc tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My là Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My. Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2020, các đơn vị đã cung ứng cho doanh nghiệp và người dân được 47.957 cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến sâm Ngọc Linh.

Theo tỉnh Quảng Nam, có một số khó khăn, vướng mắc như: tháng 1/2024, Quốc hội thông qua Luật Đất đai số 31, trong đó có sửa đổi một số điều của Luật Lâm nghiệp năm 2017. Theo quy định tại khoản 7, khoản 8 và khoản 9, điều 248 Luật Đất đai năm 2024 có quy định nội dung cho thuê môi trường rừng trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu.

Tuy nhiên chưa có quy định trình tự thủ tục về hồ sơ, quy định về thời gian thuê, mức giá thuê và hạn mức thuê để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương.

sam.jpg
Một phiên chợ sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My.

UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành trung ương hỗ trợ một số nội dung. Trong đó kiến nghị Chính phủ chủ trương đầu tư hạ tầng thủ phủ vùng sâm Ngọc Linh, nâng cấp quốc lộ 40B (đoạn huyện Bắc Trà My - giáp tỉnh KomTum, dài 45km, tỉnh chịu kinh phí giải phóng đền bù), dự kiến kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng, đầu tư xây dựng tuyến đường chiến lược vùng sâm Ngọc Linh (dài 60km), dự kiến kinh phí khoảng 911 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ có chủ trương trình Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam; kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển sâm tại tỉnh như Vingroup, TH True Milk; chọn một ngày trong năm người dân Việt Nam dùng sâm Việt Nam (đề xuất ngày 1/8 hằng năm).

Đồng thời, tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm quan tâm hướng dẫn việc thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu theo điều 248 Luật Đất đai năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO