Biến đổi khí hậu

Liên kết quốc tế chủ động ứng phó thiên tai

Khánh Ly (thực hiện) 23/11/2023 - 10:50

(TN&MT) - Từ ngày 21 - 23/11, tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 11 (AP-11). Xung quanh chủ đề: “Châu Á - Thái Bình Dương: Sẵn sàng trước thảm họa”, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cùng đại diện 60 Hội quốc gia sẽ cùng thảo luận về cách thức sẵn sàng ứng phó với những thảm họa phức tạp dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

z4900617392632_cecb37fcd48712b9d94b041c71b4b71f-copy.jpg
Bà Bùi Thị Hòa - Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam

Bên lề sự kiện, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn bà Bùi Thị Hòa - Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam về các trọng tâm của Hội nghị lần này.

PV: Thưa bà, chủ đề Hội nghị AP-11 đã nhận được sự tán đồng cao từ các quốc gia thành viên IFRC. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về ý nghĩa của chủ đề này?

Bà Bùi Thị Hòa: Chúng ta đều biết, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực thường xuyên hứng chịu nhiều rủi ro, thiệt hại từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là những thảm họa thiên nhiên so với các châu lục khác. Trong đó, Việt Nam nằm ở tâm điểm của khu vực địa lý thường gánh chịu tác hại của thiên tai, thảm họa thiên nhiên và nằm trong danh sách 10 nước thiệt hại nghiêm trọng nhất.

Chủ đề “Châu Á - Thái Bình Dương: Sẵn sàng trước thảm họa” của Hội nghị năm nay do Việt Nam đề xuất và đã nhận được sự đồng tình rất cao từ các nước thành viên IFRC. Điều này có thể lý giải vì môi trường, BĐKH đang là mối quan tâm chung của tất cả các hội quốc gia. Hội nghị lần này sẽ đánh dấu một mốc quan trọng trong nỗ lực của các quốc gia nhằm giải quyết những thách thức nhân đạo mà khu vực của chúng ta đang phải đối mặt. Trước sự phức tạp, gia tăng và tính khốc liệt của các cuộc khủng hoảng, thảm họa do thiên tai, dịch bệnh và xung đột gây ra, nhu cầu hợp tác, chia sẻ và phối hợp hành động tạo thành sức mạnh của một phong trào thống nhất toàn cầu ngày càng trở nên quan trọng, cấp thiết và sống động hơn bao giờ hết.

Với chủ đề này, chúng tôi muốn nhấn mạnh phương châm của Việt Nam: Không chỉ ứng phó, phục hồi, tái thiết sau thiên tai thảm họa, mà phải đi trước, có sự chuẩn bị sẵn sàng trong công tác phòng chống. Điều này thể hiện ở việc con người phải thấu hiểu thiên nhiên, chủ động khi nhận ra những thay đổi bất thường. Đó là sự chủ động về nhận thức hành động để khi có vấn đề xảy ra, chúng ta luôn sẵn sàng nguồn lực, lực lượng ở tất cả các cấp độ đều nhanh chóng vào cuộc.

PV: Xin bà cho biết những vấn đề trọng tâm, bao trùm sẽ được thảo luận tại Hội nghị AP-11, và mục tiêu của Việt Nam trong vai trò nước chủ nhà?

Bà Bùi Thị Hòa: Xung quanh chủ đề chung, Hội nghị sẽ có nhiều Hội thảo chuyên đề đại diện các Hội quốc gia chia sẻ kinh nghiệm. Các quốc gia sẵn sàng như thế nào để thích ứng rất nhanh với sự thay đổi trong vấn đề nhân đạo hiện nay; các Hội quốc gia có thể liên kết, phối hợp như thế nào để giải quyết thách thức của khu vực, và có một Hội thảo riêng về phát huy vai trò của phụ nữ. Thông qua hoạt động của Hội nghị, Việt Nam sẽ học hỏi kinh nghiệm từ các nước và giới thiệu kinh nghiệm hay của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong phong trào chung.

Chúng tôi muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, người dân Việt Nam hòa hiếu và kiên trung; đã đúc kết nên nhiều bài học kinh nghiệm quý báu thích ứng với thiên nhiên, chung sống với thiên nhiên, cải biến thiên nhiên bằng văn hóa ứng xử với thiên tai, dịch bệnh bằng sức mạnh đoàn kết của cộng đồng, của dân tộc. Chúng tôi muốn nhắn nhủ tới cộng đồng, làm sao để phát huy tốt nhất giá trị nhân đạo, truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam trong phong trào nhân đạo hiện nay cũng như đóng góp vào phong trào chung của khu vực.

Trong hợp tác quốc tế, Việt Nam mong muốn sẽ cùng các quốc gia tăng cường thích ứng với BĐKH. Việt Nam cũng đặt vấn đề về chăm sóc sức khỏe cộng đồng như sơ cấp cứu cho người dân, công tác hiến máu nhân đạo, hiến mô tạng cơ thể người, phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng. Nâng cao năng lực cho Hội quốc gia về đẩy mạnh hoạt động truyền thông, chuyển đổi số, minh bạch hóa trong quản lý tài chính tài sản, vận động nguồn lực quốc tế.

Các nước bạn có nhiều kinh nghiệm về phòng ngừa, ứng phó, phục hồi, tái thiết sau thiên tai, thảm họa. Trong đó, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc làm sao để xây dựng cộng đồng luôn sẵn sàng trước thiên tai. Mỗi khi có sự cố, không chỉ hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ vào cuộc mà mọi người dân, lực lượng ở các cấp độ đều cùng tham gia.

310-copy.jpg
Cán bộ Hội Chữ thập đỏ cùng người dân diễn tập phòng chống thiên tai. Ảnh: Khánh Ly

PV: Hội nghị có ý nghĩa như thế nào trong việc đóng góp cho hoạt động nhân đạo, thích ứng với BĐKH tại Việt Nam và khu vực, thưa bà?

Bà Bùi Thị Hòa: Các đại biểu của Hội nghị mang theo tinh thần hợp tác, cam kết hành động nhân đạo và quyết tâm tạo ra những thay đổi hiệu quả cho Hội quốc gia, cho phong trào nhân đạo khu vực cũng như toàn cầu. Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt không hề nhỏ, nhưng việc cùng nhau hành động chúng ta có thêm sức mạnh để tạo ra những thay đổi tích cực, góp phần xây dựng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hòa nhập và kiên cường hơn.

Chúng tôi kỳ vọng những khuyến nghị trong Kế hoạch Hành động Hà Nội - 2023 trở thành những hành động hữu ích mang lại lợi ích cho những người dễ bị tổn thương ở từng quốc gia. Chúng ta tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác, xây dựng năng lực cho mỗi hội quốc gia đủ để tự tin, tự cường gánh vác sứ mệnh nhân đạo trong thời đại số hóa và xanh hóa.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã xây dựng khung hành động về BĐKH, bám rất sát vào những cam kết về BĐKH của Chính phủ Việt Nam với khu vực, với toàn cầu. Với phương châm đi trước đón đầu, những đóng góp của Hội chữ thập đỏ Việt Nam với vai trò nhân đạo cũng sẽ thực hiện tốt, góp phần giả quyết các thách thức liên quan đến thiên tai, thảm họa.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết quốc tế chủ động ứng phó thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO