Các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc sẽ họp trong tuần này tại Nairobi để thống nhất kế hoạch cho thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về giải quyết ô nhiễm nhựa, một cuộc khủng hoảng môi trường đang bùng phát mạnh, phá hủy môi trường sống ở biển và làm ô nhiễm chuỗi thức ăn.
Một vấn đề quan trọng là các điều khoản trong thỏa thuận sẽ là tự nguyện hay ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tham gia ký kết và liệu thỏa thuận đó có giải quyết vấn đề sản xuất nhựa và thiết kế bao bì dùng một lần, hay chỉ giới hạn trong việc cải thiện quản lý và tái chế rác thải.
Bản dự thảo Nghị quyết mang tên "Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế" cho biết, thỏa thuận nên giải quyết "vòng đời đầy đủ của nhựa", nghĩa là tập trung vào sản xuất và thiết kế, cũng như rác thải nhựa.
Bản dự thảo đã được các chuyên gia kỹ thuật hoàn thiện vào đầu giờ sáng 28/2 sau một tuần đàm phán. Ngày 28/2, các Bộ trưởng chính phủ và các quan chức cấp cao đã tham gia các cuộc đàm phán và dự kiến sẽ đưa ra khung tổng thể cho thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa.
Nếu dự thảo hiện tại được phê chuẩn, đó sẽ là một sự rút lui cho các công ty dầu và hóa chất sản xuất nhựa và từng âm thầm nỗ lực duy trì các cuộc đàm phán về chất thải.
Theo dự thảo, thỏa thuận nên khuyến khích thiết kế bao bì nhựa bền vững để nó có thể được tái sử dụng và tái chế. Điều này sẽ rất quan trọng đối với các công ty hàng tiêu dùng lớn đang bán hàng hóa đựng trong bao bì nhựa dùng một lần.
Dự thảo cho biết, một Ủy ban Đàm phán liên chính phủ sẽ được thành lập để thống nhất các chi tiết của một thỏa thuận đầy đủ. Bà Inger Anderson, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết, các cuộc đàm phán không chính thức đã thu được nhiều kết quả quan trọng.