Tài nguyên nước

Lào Cai: Thắt chặt quản lý để bảo vệ nguồn nước

Bích Hợp 25/01/2024 - 10:02

(TN&MT) - Ô nhiễm nguồn nước đang trở thành vấn đề cấp bách đối với tất cả các địa phương trên lãnh thổ Việt Nam. Là điểm đầu của Tổ quốc, Lào Cai rất chú trọng đến công tác bảo vệ nguồn nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Quản lý chặt các nguồn ô nhiễm

Nước là nguồn tài nguyên không thể thiếu trong đời sống và sản xuất, là cơ sở để tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc quản lý và bảo vệ nguồn nước là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó, thời gian qua, Lào Cai đã ban hành nhiều chính sách và sử dụng nhiều biện pháp nhằm thắt chặt quản lý và bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

14c.jpg
Lào Cai là tỉnh của thượng nguồn sông Hồng. Do vậy, việc đảm bảo an ninh nguồn nước có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Lào Cai nói riêng và các tỉnh hạ lưu sông Hồng nói chung.

Theo đó, với nguồn ô nhiễm từ các nhà máy tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Lào Cai đã thực hiện nhiều giải pháp để buộc các doanh nghiệp (DN), nhà máy chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về BVMT như: Đầu tư 2 nhà máy xử lý nước thải (XLNT) tập trung giai đoạn 1, công suất 3.000m3/ngày, đêm; xây 2 nhà máy XLNT tập trung giai đoạn 2, công suất 2.000m3/ ngày, đêm) và yêu cầu các DN kết nối để thu gom, xử lý toàn bộ nước mặt chảy tràn trong khu công nghiệp trước khi thải ra môi trường. Đầu tư xây dựng 2 hệ thống xử lý nước đô thị tại thành phố để xử lý dứt điểm nước thải sinh hoạt.

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai yêu cầu các DN thực hiện khắc phục tồn tại trong việc chấp hành quy định pháp luật về BVMT; đầu tư, nâng cấp, cải tạo các công trình BVMT; lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và kết nối về Sở TN&MT để theo dõi, quản lý. Đối với nước thải, nghiêm túc, chủ động khắc phục việc thu gom, quản lý, xử lý các nguồn thải phát sinh; xây dựng hệ thống thu gom nước thải sản xuất, nước bề mặt trong khu vực nhà máy và tiến hành đấu nối xử lý với Nhà máy XLNT tập trung khu vực Khe Chom.

Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm phát hiện kịp thời những tồn tại, hạn chế, từ đó yêu cầu DN phải có biện pháp khắc phục.

Đối với các nguồn ô nhiễm khác từ các hoạt động sinh hoạt dân cư, Lào Cai đã tăng cường công tác tuyên truyền để bảo vệ nguồn nước như: Tuyên truyền người dân không chăn thả gia súc, đổ rác gần nguồn nước, không phóng uế bậy, không thải hóa chất trực tiếp vào nguồn nước, không dùng phân tươi làm phân bón; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn. Cần hạn chế sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước.

Khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước

Do đặc điểm địa hình tỉnh Lào Cai bị phân cắt mạnh nên việc phân bổ nguồn nước chênh lệch nhau rất lớn giữa các vùng trong tỉnh. lượng mưa phân bố không đều theo thời gian, mùa mưa (từ tháng 5 - tháng 10 chiếm khoảng từ 75% - 85% tổng lượng mưa cả năm; mùa khô chỉ chiếm 15% - 25% năm; 2 tháng có lượng mưa nhỏ nhất trong năm là tháng 1 và tháng 2).

Hơn nữa, thách thức lớn nhất của Lào Cai trong công tác bảo vệ an ninh nguồn nước (ANNN) sông Hồng và sông Chảy là không có (hoặc rất ít) thông tin về chế độ khai thác, diễn biến chất lượng nguồn nước thượng lưu cũng như các hoạt động khác có nguy cơ tác động, ảnh hưởng đến chất lượng, trữ lượng của hai nguồn nước này, dẫn đến việc xử lý không kịp thời để thông tin cho chính quyền, nhân dân phía hạ lưu.

Đối với các nguồn nước nội tỉnh, chưa được đầu tư đủ hệ thống quan trắc, giám sát đánh giá trữ lượng, chất lượng và diễn biến của nguồn nước. Hiện Lào Cai mới chỉ đầu tư được 3 trạm quan trắc nước mặt và 3 trạm quan trắc nước dưới đất.

Để khắc phục thực trạng thừa nước vào mùa lũ, thiếu nước vào mùa khô, đảm bảo ANNN, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân, DN, tỉnh Lào Cai đã ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước (TNN) như: tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải bằng hố chứa phân, ủ phân, đệm lót sinh học, hầm biogas...

Ông Hồ Cao Khải - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lào Cai cho biết, để khắc phục các hạn chế, nâng cao hiệu quả trong quản lý nguồn nước, Sở TN&MT Lào Cai đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn đơn vị cấp nước sinh hoạt nông thôn lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò, khai thác sử dụng TNN theo đúng quy định; hướng dẫn xây dựng và đề xuất phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TNN đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước.

Trong thời gian tới, Lào Cai sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, có thể tái sử dụng nguồn TNN. Điều tra đánh giá TNN dưới đất các vùng khan hiếm nước và phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Đồng thời, để đảm bảo ANNN xuyên biên giới hiệu quả, tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ TN&MT kiến nghị với Trung ương thành lập "Ủy ban Sông Hồng Việt Nam" để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia trên lưu vực sông Hồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lào Cai: Thắt chặt quản lý để bảo vệ nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO