Chương trình “Cùng hành động để thay đổi thế giới” nhằm kêu gọi các quốc gia cùng nhau hành động các hoạt động bảo vệ môi trường, thu gom, tái chế rác thải, từ chối sử dụng các sản phẩm nhựa để tạo nên một sự thay đổi lớn cho môi trường toàn cầu.
Để hưởng ứng Chiến dịch, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 01/9/2020 chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tham gia hưởng ứng sự kiện này dưới nhiều hình thức khác nhau.
Quang cảnh Lễ phát động "làm cho thế giới sạch hơn và trao giải môi trường năm 2020" |
Tỉnh Lào Cai những năm gần đây đang phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại, du lịch. Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, tỉnh Lào Cai cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường. Đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp với nhiều loại hình sản xuất đặc thù như khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất phân bón, hóa chất...
Mỗi năm tỉnh Lào Cai phát sinh khoảng 6 triệu tấn chất thải rắn, bã thải Gyps; 17.500 triệu m3 khí thải; trên 1 triệu m3 nước thải; Trong sản xuất nông nghiệp phát sinh khoảng 1,5 triệu tấn chất thải rắn, 3,3 triệu m3 nước thải chăn nuôi, 7.300 tấn vỏ bao bì các loại; trong sinh hoạt phát sinh trên 143.000 tấn chất tải rắn, 6 triệu m3 nước thải từ các khu dân cư, khu đô thị.
Với chủ trương “Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường và không thu hút đầu tư bằng mọi giá”. Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh luôn được tỉnh Lào Cai quan tâm và chỉ đạo triển khai như, Đề án số 10-ĐA/TU ngày 27/11/2015 về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020; Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; Đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa; Chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh... Các cấp ngành tập trung xây dựng cơ chế chính sách đồng bộ, siết chặt các chính sách đầu tư liên quan đến các dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá công tác BVMT.
|
Đặc biệt, tỉnh Lào Cai chú trọng đến kiểm soát nguồn thải, đầu tư các hệ thống xử lý chất thải trong lĩnh vực công ích như: Đầu tư 02 trạm xử lý nước thải có tổng công suất 5.000m3/ngày đêm tai KCN Tằng Loỏng; xây dựng nhà máy xử lý rác thải thành phố Lào Cai với công suất 105 tấn rác/ngày đêm; đưa vào hoạt động 04 bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, bảo Thắng, Bảo Yên; Quy hoạch và đầu tư các bãi chôn lấp rác, nghĩa trang cho các xã xây dựng nông thôn mới. Để kiểm soát nguồn thải, tỉnh Lào Cai đã đưa vào vận hành 01 trạm quan trắc tự động nước thải, 01 trạm quan trắc không khí xung quanh; yêu cầu nghiêm ngặt về BVMT của các dự án đầu tư có phát sinh nguồn thải lớn. Đề xuất các Bộ ngành Trung ương có phương án thu phí BVMT đối với khí thải nhằm nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư theo phương châm “người gây ô nhiễm phải trả tiền”....
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Lào Cai cho biết: “ Mặc dù đã có nhiều giải pháp trong quản lý, bảo vệ môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm chưa được xử lý triệt để. Còn xảy ra ô nhiễm môi trường cục bộ tại KCN Tằng Loỏng do cộng hưởng nhiều nguồn thải; ô nhiễm bụi, khí thải, tiếng ồn các khu vực khai thác khoáng sản. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhất là khu vực nông thôn, vùng cao còn nhiều hạn chế. Bãi chôn lấp rác tại các xã chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh môi trường. Thiếu chính sách hỗ trợ thu gom xử lý rác thải khu vực nông thôn. Ý thức về bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân chưa tốt, còn xả rác thải bừa bãi. Sự vào cuộc của chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa thực sự quyết liệt, chưa thực hiện tốt các quy định của tỉnh trong việc quản lý chất thải rắn, còn thụ động trong việc giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh tại địa bàn quản lý, chưa có nhiều sáng kiến, mô hình và sự lan tỏa trong cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Mỗi năm tỉnh Lào Cai phát sinh khoảng 6 triệu tấn chất thải rắn, bã thải Gyps; 17.500 triệu m3 khí thải và trên 1 triệu m3 nước thải. |
Vì vậy, rất cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các cấp các ngành với nhiều hình thức để bảo vệ môi trường”.
Tại Lễ phát động, Bà Giàng Thị Dung, PCT UBND tỉnh Lào Cai đã kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để cộng đồng, doanh nghiệp, người dân cùng có trách nhiệm trong công tác BVMT. Trong các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, du lịch phải khai thác và sử dụng tài nguyên hợp lý. Từng bước đổi mới công nghệ sản xuất, xử lý môi trường trong công nghiệp nhằm tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, kiểm soát và xử lý triệt để chất thải. Trong sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch vào toàn bộ quy trình sản xuất, kiểm soát quản lý việc sử dụng, thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xử lý chất thải trong chăn nuôi.
Các cấp, các ngành, địa phương chủ động tham mưu, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề môi trường bức xúc trên địa bàn quản lý. Đặc biệt đối với KCN Tằng Loỏng cần tập trung sớm đầu tư hoàn thiện hạ tầng thu gom, xử lý chất thải; các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường.
Trong dịp này UBND tỉnh Lào Cai đã trao giải “sáng kiến bảo vệ môi trường năm 2020” cho 15 đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh. |
Đặc biệt, mỗi người hãy hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” bằng những việc đơn giản, từ những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu; cùng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường tại gia đình, cơ quan, khu dân phố... Trồng thêm nhiều cây xanh; tuyên truyền, vận động mọi người trong gia đình, cơ quan, cộng đồng cùng có ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng...
Trong dịp này UBND tỉnh Lào Cai đã trao giải “sáng kiến bảo vệ môi trường năm 2020” cho 15 đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh.