Lào Cai: Kiểm tra tình hình đảm bảo cấp nước an toàn và xử lý nước trên địa bàn

Bích Hợp| 06/10/2020 17:28

(TN&MT) - Chiều ngày 5/10, Đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã làm việc với UBND tỉnh Lào Cai về tình hình đảm bảo cấp nước an toàn và thoát nước, thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Theo báo cáo, Lào Cai hiện có 14 công trình cấp nước sạch đô thị, với tổng công suất 71.000 m3/ngày, đêm. Khu vực nông thôn có 1.051 nguồn nước tập trung; Khu Công nghiệp Tằng Loỏng (Bảo Thắng) sử dụng hệ thống cấp nước riêng với công suất 30.000 m3/ngày, đêm.

Song song với quy hoạch nguồn cấp nước, việc nâng cao chất lượng nước cũng được tỉnh Lào Cai chú trọng. Theo báo cáo của Sở Y tế Lào Cai, năm 2019, nước sạch đô thị trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo yêu cầu. Kết quả xét nghiệm 189 mẫu nước sinh hoạt đô thị thì có 175 mẫu đạt tiêu chuẩn; kiểm tra 97 mẫu nước sinh hoạt nông thôn có 66 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh.

2 nhà máy xử lý nước thải Sa Pa với công suất 7.500m3/ngày, đêm đang được tỉnh Lào Cai xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động tại quý IV năm 2020.

Đối với công tác thoát nước và xử lý nước thải, tại khu vực đô thị đã được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh hệ thống thoát nước theo các tuyến đường, với tổng chiều dài khoảng 400 km. Nước thải các khu công nghiệp tập trung được thu gom riêng, đưa về nhà máy xử lý sau đó thoát ra môi trường. Nước thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhỏ được xử lý cục bộ theo công nghệ, dây chuyền sản xuất của từng dự án, sau đó đưa ra hệ thống thoát nước chung.

Hiện, tỉnh Lào Cai có 2 đô thị được xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt. Tại thành phố Lào Cai với nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất xử lý 4.500 m3/ngày. Thị xã Sa Pa đang triển khai xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung cho khu vực nội thị, với tổng công suất 7.500m3/ngày, đêm, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2020.

Về thu gom và xử lý nước thải công nghiệp, hiện tại tỉnh Lào Cai có 3 nhà máy gồm: Nhà máy xử lý nước thải với công suất 500 m3/ngày, đêm tại Khu Công nghiệp Đông Phố Mới; 2 nhà máy xử lý nước thải với công suất 5.000 m3/ngày, đêm tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng.

Tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm tới xử lý nước thải tại các khu công nghiệp trên địa bàn.

Về tình hình ngập úng và các giải pháp xử lý ngập úng, hiện nay hệ thống thoát nước ở các khu đô thị trên địa bàn tỉnh cơ bản được đầu tư bằng hệ thống cống, rãnh hộp kiên cố, đảm bảo tiêu thoát nước cho đô thị. Đối với các điểm ngập úng cục bộ tại thành phố Lào Cai và một số phường tại thị xã Sa Pa, UBND tỉnh đã giao cho UBND thành phố Lào Cai và UBND thị xã Sa Pa tổ chức lập dự án tổng thể về thoát nước đô thị trong năm 2021; năm 2020, đã đầu tư từ nguồn ODA khoảng 200 tỷ đồng cho việc khắc phục các điểm ngập úng lớn trên địa bàn thành phố Lào Cai.

Đoàn công tác của Bộ Xây dựng đánh giá cao công tác đảm bảo cấp nước an toàn và thoát nước, thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian. Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai cần nghiên cứu, thuê tư vấn thiết kế xây dựng hệ thống cấp nước và thoát nước đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới. Trong công tác quy hoạch, cần làm rõ nội dung liên quan đến nguồn nước, năng lực cấp, thoát nước để làm cơ sở đầu tư hạ tầng cấp, thoát nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động cấp, thoát nước, xử lý nước thải.

Ông Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý tài nguyên nước. Tỉnh đã ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song do đặc thù là tỉnh nghèo, nên nguồn lực đầu tư hạ tầng cấp, thoát nước gặp nhiều khó khăn, nhất là cấp nước nông thôn. Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ có những giải pháp cụ thể, huy động sự vào cuộc của cộng đồng để phát huy hiệu quả đầu tư và tuổi thọ các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lào Cai: Kiểm tra tình hình đảm bảo cấp nước an toàn và xử lý nước trên địa bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO