Làng ung thư Yên Lão: Dân mỏi mòn chờ nước sạch

12/06/2015 00:00

(TN&MT) – Vấn đề nước sạch ở làng ung thư Yên Lão thuộc xã Hoàng Tây (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) ngày càng trở nên nan giải. Người dân không có nguồn nước sạch đạt chuẩn để sử dụng, trong khi mức độ ô nhiễm tăng cao và hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn thiện.

Nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng

Yên Lão xếp thứ 5 trong danh sách 10 làng ung thư trên cả nước theo công bố của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vào tháng 2/2015. Làng ung thư Yên Lão nằm ở ven đê sông Nhuệ có trên 400 nóc nhà với khoảng hơn 1000 nhân khẩu.

Về làng đúng thời điểm nắng nóng gay gắt của mùa hè năm nay chúng tôi thấy dọc hai bên đường bê tông chưa hoàn thiện dẫn vòng quanh làng là những rãnh nước nổi đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc rất khó chịu. Từ hàng chục năm nay, người dân trong thôn đã phải sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề. Nước bị ô nhiễm khắp nơi, người dân không có nước sạch để sinh hoạt, hệ thống cống rãnh xả thải chưa hoàn thiện, nước tưới rau và hoa màu đều từ nguồn nước sông ô nhiễm…và nhiều người chết vì bệnh tật khi độ tuổi còn khá trẻ.

Hệ thống cống rãnh ở thôn Yên Lão không có nắp đậy
Hệ thống cống rãnh ở thôn Yên Lão không có nắp đậy

Ông Đỗ Văn Thiêm, người dân thôn Yên Lão cho biết: Trước đây từ những năm 2000 sông Nhuệ đã bắt đầu ô nhiễm, các nhà máy phía thượng nguồn xả thải khiến cho nguồn nước sông đen ngòm, gây mùi hôi thối. Đặc biệt là, vào mùa mưa phùn gió bấc mùi hôi thối càng nặng, nước ô nhiễm ngấm vào lòng đất bà con lại phải bơm nước ngầm đó lên để sử dụng. Hơn nữa, nước thải trong gia đình giờ vẫn cứ xả trực tiếp ra đường rãnh nổi và ao hồ nên bẩn và hôi kinh khủng. Người dân thôn Yên Lão sau khi dùng nguồn nước giếng khoan thì thấy bị ngứa, tiêu chảy xảy ra rất nhiều.

Nước thải sinh hoạt và sản xuất được xả trực tiếp ra  cống rãnh không có nắp đậy
Nước thải sinh hoạt và sản xuất được xả trực tiếp ra cống rãnh không có nắp đậy

Ông Trương Văn Khương – Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tây cho biết: Nước thải sinh hoạt, chăn nuôi trong gia đình hầu như chưa qua xử lý thải trực tiếp ra cống rãnh tập trung, làng Yên Lão lại khá trũng nên nước bị ứ đọng gây mùi hôi thối. Thêm vào đó, hệ thống cống rãnh có nắp đậy trên địa phận thôn Yên Lão còn hạn chế do quy hoạch giao thông đường làng ngõ xóm chưa được cứng hóa toàn bộ khiến tình trạng ô nhiễm càng nặng nề. Trong quá trình trồng rau, hoa màu, người dân đều phun thuốc bảo vệ thực vật làm cho tình trạng ô nhiễm nước ngầm càng báo động.

Người dân xả thải ra cả đường, nơi không có cống rãnh
Người dân xả thải ra cả đường, nơi không có cống rãnh

Phóng viên báo TN&MT tìm đến Trạm y tế xã Hoàng Tây, không khỏi ngỡ ngàng khi mục sở thị cuốn sổ theo dõi tử vong được Trưởng trạm Lê Văn Tuấn ghi chép lại. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm xã có đến 5-6 người chết vì ung thư, trong đó thôn Yên Lão tập trung nhiều người chết vì ung thư ở độ tuổi còn trẻ (chủ yếu là 45 đến 50 tuổi). Mới chưa đầy nửa năm 2015, đã có 4 ca tử vong vì ung thư đại tràng, dạ dày và ung thư vòm họng.

Ông Tuấn cho hay: Sau khi có thông báo làng Yên Lão nằm trong danh sách 10 làng có tỷ lệ người chết vì ung thư cao nhất cả nước, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thành lập đoàn xuống địa phương lấy mẫu nước sử dụng ăn uống đi xét nghiệm, thẩm định. Theo kết quả nhận được, nguồn nước ngầm ở Hoàng Tây có tỷ lệ tạp chất cao hơn tiêu chuẩn cho phép, trong đó hàm lượng asen cao hơn 0,01 mg/L so với giới hạn tối đa TCVN. Mặc dù không có căn cứ khẳng định nguồn nước là nguyên nhân gây ung thư, song đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến người dân mắc ung thư cũng như các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, bệnh ngoài da…

Mục sở thị cuốn sổ theo dõi tử vong của trưởng Trạm y tế xã Lê Văn Tuấn
Mục sở thị cuốn sổ theo dõi tử vong của trưởng Trạm y tế xã Lê Văn Tuấn

Tình trạng ô nhiễm ở làng ung thư Yên Lão ngày càng báo động, nguồn nước nhiễm độc đã được xác định cụ thể bằng cơ sở khoa học. Tuy nhiên, cho đến nay người dân địa phương vẫn từng ngày sống chung với nguồn nước không đảm bảo và khan hiếm nước sạch sinh hoạt.

Khan hiếm nguồn nước sạch

Theo ông Trương Văn Khương, từ năm 2000 chính quyền đã cùng nhân dân xây dựng nhà máy nước giếng khoan cho hai thôn Thọ Lão, Yên Lão, nhưng sau khi hoàn thiện, test thấy tỷ lệ đạt chuẩn chưa cao nên bà con không dùng nữa. Chính quyền xã đã khuyến nghị bà con dùng nước mưa để sinh hoạt. Hiện nay, toàn xã Hoàng Tây có hơn 1700 bể chứa nước mưa gia đình, thế nhưng mùa mưa thì đủ nước ăn uống chứ đến mùa khô thì nguồn nước mưa chỉ đáp ứng được 70 – 80% nhu cầu thiết yếu nhất.

“Bên cạnh đó, qua y tế cơ sở cùng hệ thống truyền thanh UBND xã tuyên truyền bà con sử dụng nước mưa hợp vệ sinh hơn bằng máy lọc nước trong gia đình. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế nên không phải gia đình nào cũng sử dụng được. Mặt khác, vì môi trường bị ô nhiễm nên nguồn nước mưa cũng không đảm bảo vệ sinh. Vì vậy, người dân đang rất mong mỏi được sử dụng nguồn nước sạch, tránh hiểm họa ung thư và các bệnh hiểm nghèo” – ông Khương nói.

Theo báo cáo tổng hợp về môi trường xã Hoàng Tây, địa phương hiện có 658 giếng khoan hợp vệ sinh (giếng cách các công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi trên 10m), 264 giếng khoan không hợp vệ sinh. Song nguồn nước ngầm cũng có nguy cơ nhiễm độc nên chính quyền khuyến cáo bà con chỉ nên sử dụng để vệ sinh tắm giặt và chăn nuôi.

Để khắc phục tình trạng trên, cuối năm 2014, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo huyện Kim Bảng xây dựng Trạm cấp nước sạch của huyện đặt tại xã Kim Bình. Đến nay, dự án đã triển khai xong đường ống cấp nước còn hoàn thành và cấp nước lúc nào thì còn phụ thuộc vào bên thi công cũng như lãnh đạo cấp trên.

Chính quyền xã Hoàng Tây hi vọng dự án trạm cấp nước sạch sớm hoàn thành để tạo nguồn nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn và đều đặn cung cấp cho người dân thôn Yên Lão nói riêng, toàn địa phương nói chung. Trong thời gian chờ đợi, bà con vẫn phải chắt chiu nguồn nước mưa ít ỏi để qua mùa khô hạn.

Tuyết Chinh

 

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng ung thư Yên Lão: Dân mỏi mòn chờ nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO