Lạng Sơn: Triển khai nhiều giải pháp hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT

Hoàng Nghĩa| 27/04/2022 07:08

(TN&MT) - Tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025, 80% cơ sở dữ liệu chuyên ngành TN&MT được hoàn thiện, đảm bảo kết nối, chia sẻ, đảm bảo an toàn, an ninh, phục vụ cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển đô thị thông minh, Chính quyền số của tỉnh.

Theo Kế hoạch số 86/KH-UBND thực hiện hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT, kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giai đoạn 2022-2025 vừa được UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành, tỉnh này đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2023 hoàn thiện các quy chế vận hành, quản lý, kết nối, chia sẻ toàn diện nguồn tài nguyên số về TN&MT; Chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng bổ sung, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu thành phần của cơ sở dữ liệu ngành TN&MT, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu TN&MT; 30% cơ sở dữ liệu chuyên ngành TN&MT được xây dựng cơ sở dữ liệu: đất đai, nền địa lý, quan trắc TN&MT, nguồn thải, bảo vệ môi trường đảm bảo tích hợp, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu và đồng bộ, thống nhất với cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường của Bộ TN&MT; Vận hành, cập nhật thường xuyên biến động lên cổng thông tin khai thác cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Lạng Sơn.

Đến năm 2025 hoàn thiện hệ thống thông tin ngành TN&MT, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu TN&MT, cung cấp dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân thông qua các kênh thông tin hiện đại, trực tuyến; 80% cơ sở dữ liệu chuyên ngành TN&MT được hoàn thiện, đảm bảo kết nối, chia sẻ, đảm bảo an toàn, an ninh, phục vụ cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; góp phần phát triển đô thị thông minh, Chính quyền số của tỉnh; Tạo lập môi trường, điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng hoạt động điều tra, khảo sát, đo đạc, quan trắc, thu nhận thông tin, dữ liệu, triển khai xây dựng hạ tầng dữ liệu số, cung cấp dịch vụ số… về TN&MT.

20220112_142245.jpg
Ảnh minh họa.

Đề triển khai hoàn thành các mục tiêu nêu trên, tỉnh đề ra hàng loạt giải pháp như: Ứng dụng các công nghệ Internet vạn vật (IoT), thị giác máy tính (Computer vision), xử lý ảnh (Image processing)... phục vụ thu nhận, truyền dẫn, xử lý thông minh trong quan trắc, điều tra, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về TN&MT; Ứng dụng các giải pháp công nghệ mới như dữ liệu lớn (Bigdata), hồ dữ liệu (Data Lake), kho dữ liệu (Data Warehouse), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo để lưu trữ, khai phá, phân tích dữ liệu; bảo đảm an toàn, an ninh phục vụ yêu cầu quản trị, quản lý, sử dụng, khai thác thông tin, dữ liệu và giải quyết các bài toán phức tạp của ngành TN&MT; Triển khai các giải pháp bảo đảm tích hợp, kết nối dữ liệu từ nhiều nguồn, trên các nền tảng kết nối Bộ TN&MT, ngành, địa phương phù hợp với đặc trưng của từng loại thông tin, dữ liệu về TN&MT.

Bên cạnh đó áp dụng, triển khai biện pháp an toàn thông tin và an ninh dữ liệu để phòng, chống nguy cơ, khắc phục sự cố trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng cơ sở dữ liệu kỹ thuật theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Bố trí đầy đủ nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện Kế hoạch đồng bộ theo lộ trình; Tăng cường đào tạo, đào tạo lại về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng các nhiệm vụ thiết lập, xây dựng, quản lý, duy trì và vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu TN&MT; Huy động nguồn lực, ưu tiên bố trí kinh phí được giao hàng năm để thực hiện các nội dung theo quy định của pháp luật….

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tăng cường phổ biến, tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò và tác dụng của việc kết nối liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu TN&MT với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác; Phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các đoàn thể xã hội và mỗi người dân trong việc sử dụng, giám sát thông tin, dữ liệu TN&MT….

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Triển khai nhiều giải pháp hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO