PV: Thưa ông, với nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện quản lý như thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Trực:
Lạng Sơn là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, đa dạng với khoảng 15 loại khoáng sản rắn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 62 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, với tổng trữ lượng khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường là 110 triệu m3, công suất khai thác 4,36 triệu m3/năm; trữ lượng khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi măng là 51,4 triệu tấn, công suất khai thác 2 triệu tấn/năm; khoáng sản than nâu có trữ lượng khai thác 14,5 triệu tấn, công suất khai thác 512.700 tấn/năm, khoáng sản kim loại có trữ lượng khai thác 6,5 triệu tấn, công suất 927.000 tấn/năm,....
Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tiếp tục được Lạng Sơn quan tâm và ngày càng siết chặt hơn. Tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, tạo điều kiện cho hoạt động khoáng sản từng bước phát triển.
Việc ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã có chuyển biến tích cực, cơ bản đã chấm dứt các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; công tác kiểm tra, hậu kiểm đã được tăng cường.
Công tác tuyên tuyền, phổ biến Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành được quan tâm, thực hiện thường xuyên. Việc cấp phép hoạt động khoáng sản, thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản được thực hiện đúng thời gian, trình tự quy định.
PV: Từ việc tăng cường công tác quản lý khoáng sản đã đóng góp như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn?
Ông Nguyễn Hữu Trực:
Những năm qua, bằng chính sách thu hút đầu tư, tỉnh Lạng Sơn đã thu hút được các dự án khai thác, chế biến khoáng sản với quy mô công nghiệp, công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến.
Hoạt động khoáng sản trên địa bản tỉnh đã tạo điều kiện thu hút được trung bình hằng năm trên 1.500 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân khoảng 60 triệu đồng/năm/người; tổng nộp ngân sách Nhà nước trong hoạt động khoáng sản trung bình hằng năm chiếm khoảng 10,12% tổng thu nội địa.
Ngoài các khoản nộp ngân sách thông qua các khoản thuế và phí, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn có những đóng góp khác cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.
PV: Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động khoáng sản ở Lạng Sơn còn có những khó khăn, bất cập gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Trực:
Mặc dù công tác quản lý khoáng sản đạt được những kết quả rất tích cực, nhưng hiện nay, đa số tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn thiếu năng lực về vốn, thiết bị kỹ thuật; kinh nghiệm còn hạn chế, công nghệ khai thác chủ yếu là thủ công kết hợp cơ giới, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn sâu về khai thác mỏ nên khai thác chưa đúng thiết kế mỏ được phê duyệt; sản lượng khai thác, chế biến chưa cao;
Một số mỏ đá vôi tạm ngừng hoạt động do thiếu vốn, phải vay ngân hàng, nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, hiểu biết pháp luật về khoáng sản chưa cao nên việc chấp hành quy định của pháp luật chưa đầy đủ.
Có nơi, có lúc cũng đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng dân cư sống xung quanh các điểm mỏ và các tuyến giao thông…
PV: Từ thực tế trên, để quản lý, bảo vệ và khai thác khoáng sản bền vững, Lạng Sơn sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Trực:
Để quản lý, bảo vệ và khai thác khoáng sản bền vững, thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện một số nhiệm vụ như: Kiến nghị Trung ương kịp thời tháo gỡ, hướng dẫn thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc do chồng chéo giữa các văn bản quy định về công tác quản lý khoáng sản; hướng dẫn bổ sung về phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức cơ sở.
Tiếp tục tổ chức thực hiện các đề án điều tra, đánh giá, thăm dò bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị cơ quan có thẩm quyền chấp thuận việc lập, thi công thêm các đề án điều tra, đánh giá khoáng sản đối với nhiều loại khoáng sản nhằm làm rõ tiềm năng tài nguyên, trữ lượng khoáng sản còn lại trên địa bàn.
Kiên quyết thu hồi những dự án chế biến sâu chậm triển khai đầu tư, có công nghệ lạc hậu, sản xuất không liên tục, hiệu quả thấp và gây ô nhiễm môi trường.
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch khoáng sản để tích hợp vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, đồng thời, nâng cao chất lượng lập, thẩm định hồ sơ xin khai thác khoáng sản và báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác khoáng sản để tăng cường tiêu chí đảm bảo cảnh quan, môi trường, đảm bảo việc xây dựng, phát triển bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!