Lạng Sơn quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản: Kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
(TN&MT) - Bằng nhiều giải pháp thiết thực, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện đã dần đi vào nền nếp, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Chủ động phòng ngừa hoạt động trái phép
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, giai đoạn 2021 - 2025, Lạng Sơn đã đưa ra khỏi quy hoạch cũ 4 điểm mỏ, tổng diện tích trên 135ha, gồm 2 mỏ đá vôi, 1 mỏ đất san lấp, 1 mỏ cát, sỏi; điều chỉnh quy mô diện tích 10 điểm mỏ; bổ sung quy hoạch 24 điểm mỏ, gồm 3 mỏ đá vôi, 19 mỏ đất san lấp, 2 mỏ cát, sỏi.
Tỉnh Lạng Sơn đã quy định 1.729 khu vực cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích trên 458.000ha; 209 khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích trên 173ha. Từ năm 2022 đến nay, đã cấp, điều chỉnh 14 giấy phép, trong đó, điều chỉnh 3 Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; cấp 11 Giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Ban hành 2 Quyết định phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản. Tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thu được trong năm 2022 trên 46 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có 59 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó, 6 Giấy phép khai thác do Bộ TN&MT cấp, 53 Giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực khoáng sản, từ năm 2022 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành các quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, việc khai thác theo thiết kế mỏ được duyệt, việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước của các tổ chức khai thác khoáng sản.
Qua đó, đã kiểm tra, đôn đốc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 13 doanh nghiệp; thanh tra 2 doanh nghiệp, kiểm tra 35 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 71 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền trên 400 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chính gồm: Khai thác khoáng sản không đúng trình tự, hệ thống khai thác; bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ không đúng tiêu chuẩn; lập báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại không đầy đủ thông tin; thực hiện quan trắc môi trường không đầy đủ về tần suất; vi phạm quy chuẩn kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp…
Đặc biệt, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép, tỉnh đã thành lập các Đoàn kiểm tra, công bố địa chỉ thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng để tổ chức, cá nhân biết, phản ánh mọi thông tin về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện các điểm khai thác trái phép để ngăn chặn, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên và Lạng Sơn; quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản giữa Sở TN&MT các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn…
Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Theo ông Nguyễn Hữu Trực - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, thời gian qua, hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp. Việc ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác trái phép có chuyển biến tích cực, cơ bản chấm dứt các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; công tác kiểm tra, hậu kiểm đã được tăng cường.
Tuy nhiên, đa số tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản vẫn áp dụng công nghệ khai thác chủ yếu là thủ công kết hợp cơ giới, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn sâu về khai thác mỏ (Giám đốc điều hành mỏ) nên còn hiện tượng khai thác chưa đúng thiết kế mỏ. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cho bảo vệ môi trường khu mỏ, lợi ích cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản.
Tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, hiện nay, UBND tỉnh đang giao Sở TN&MT chủ trì kiểm tra, rà soát các giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã cấp và các quyết định, văn bản cho phép thu hồi khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án đầu tư đã được phê duyệt, cho phép. Tiếp tục đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm với hành vi khai thác khoáng sản khi không có thiết kế mỏ, không đúng thiết kế, công nghệ khai thác đã duyệt; khai báo sai sản lượng khai thác, không thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản...
Công an tỉnh chỉ đạo các phòng, đơn vị, Công an các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông. Xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, công khai kết quả xử lý.
UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; Quy chế phối hợp trong quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản, nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực giáp ranh, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng.