Lạng Sơn: Đưa nước sạch đến với người dân vùng khó khăn
(TN&MT) - Là tỉnh miền núi có mạng lưới sông suối, ao, hồ khá đa dạng với hơn 270 hồ chứa, trên 970 đập dâng các loại, tỉnh Lạng Sơn đã và đang triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cấp nước an toàn cho khu vực nông thôn, góp phần tiết kiệm, giảm tỷ lệ thất thoát nước, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Đẩy mạnh đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt
Giai đoạn 2016 - 2022, thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn của Ngân hàng Thế giới, Sở NN&PTNT Lạng Sơn đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 23 công trình với tổng kinh phí trên 160 tỷ đồng, hơn 13.000 hộ được hưởng lợi, tương đương khoảng trên 53.000 người sử dụng. Năm 2023, Sở NN&PTNT đã giao Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đầu tư nâng cấp 3 công trình cấp nước sinh hoạt, với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng.
Theo Sở NN&PTNT, những năm qua, thông qua nhiều Chương trình dự án như: Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững; Chương trình 134, 135.... với nhiều nguồn vốn từ Ngân sách tập trung hỗ trợ của TW, Ngân sách địa phương, đóng góp của nhân dân và sự hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế UNICEF, Chính phủ Úc, Hà Lan, Đan Mạch, Liên minh Châu âu (EU)... Lạng Sơn đã tập trung xây dựng các công trình nước sạch khu vực nông thôn.
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 414 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Trong đó, 65 công trình hoạt động bền vững; 222 công trình hoạt động tương đối bền vững; 107 công trình hoạt động kém bền vững; 20 công trình không hoạt động. Ngoài ra, hơn 79.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ gồm giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa và ống dẫn nước riêng hô ̣gia đình.
Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,2%, trong đó tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt 58,9%, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, giảm chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về nước sinh hoạt, nhất là với hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cấp nước sạch nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Trước diễn biến bất thường của BĐKH, cùng với việc rừng nguyên sinh suy giảm đã dẫn tới nguồn sinh thủy có nguy cơ cạn kiệt; hơn nữa nguồn nước ngày càng có nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Tình trạng khan hiếm nguồn nước tại một số xã chưa được khắc phục.
Xã hội hóa về cấp nước sinh hoạt còn nhiều hạn chế, tỉnh chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, kêu gọi đầu tư các công trình nước sạch. Các công trình cấp nước tập trung sau khi hoàn thành được giao cho UBND cấp xã quản lý, đa số các xã chưa thành lập ban quản lý nước, chưa thu tiền sử dụng nước của người dân để phục vụ quản lý vận hành, sửa chữa.
Một số công trình tự chảy có nhiều nguồn nước riêng biệt, chia cắt, quy mô từng nguồn nước phục vụ phạm vi hẹp 1-2 thôn; đầu nguồn lấy nước tự chảy thường ở các khe suối nhỏ, xa khu dân cư, việc quản lý bảo vệ gặp nhiều khó khăn.
Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025, 60% dân số nông thôn được tiếp cận với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu từ 40 – 60 lít/người/ngày đêm; bảo đảm cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán. 50% số đơn vị cấp huyện triển khai thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc khu vực phù hợp, hiệu quả. Ít nhất 35% số huyện có đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng và có mô hình xây dựng hoặc cải tạo cảnh quan ao hồ…
Nỗ lực bảo vệ chất lượng nguồn nước
Theo lãnh đạo Sở TN&MT Lạng Sơn, để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ nguồn nước, tỉnh đã lồng ghép các nội dung, phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp, thoát nước, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai trong phát triển kinh tế - xã hội, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Triển khai lập, phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông, hồ là nguồn nước nội tỉnh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình đầu tư hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas trước khi xả thải ra môi trường; vận động nhân dân thu gom chất thải phát sinh trong sản xuất nông nghiệp, không làm ô nhiễm nguồn nước.
Hàng năm, duy trì quan trắc, giám sát chất lượng nước. Quản lý chặt việc thu gom, xử lý nước thải, đặc biệt là nước thải khu đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn, khu du lịch, các cơ sở sản xuất kinh doanh. Xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải gây ô nhiễm, khai thác sử dụng nguồn nước trái phép.
Nhờ đó, nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều chuyển biến, từng bước nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước, đáp ứng nhu cầu nguồn nước cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước và bảo vệ công trình cấp nước, khuyến khích người dân tích cực sử dụng các nguồn nước sạch.
Nghiên cứu áp dụng công nghệ, thiết bị xử lý nước hiện đại, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu. Cải tạo, sửa chữa các công trình hoạt động kém bền vững hoặc không hoạt động nhưng có khả năng cải tạo sửa chữa.
Đồng thời triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, xây dựng phương án bảo vệ nguồn nước cấp cho sinh hoạt; khoanh định các vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm. Ưu tiên hỗ trợ các giải pháp cấp nước sạch cho các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực dễ bị tổn thương do ảnh hưởng biến đổi khí hậu.