Lạng Sơn: Doanh nghiệp và người dân kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ gỡ những “nút thắt”
(TN&MT) - Luật Đất đai là một trong số các luật có tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh. Tại lần sửa đổi này, doanh nghiệp và người dân Lạng Sơn kỳ vọng bộ luật sẽ sớm được Quốc hội thông qua, đảm bảo phù hợp với thực tế, tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong thời gian qua.
Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Đặng Văn Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế Lạng Sơn cho biết, thực tế, khi triển khai dự án BĐS, Công ty cũng gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, một dự án phát triển đô thị của Công ty thường có quy mô lớn, thời gian triển khai dài (từ 5-10 năm) chứ không ngắn hạn như những dự án BĐS đơn lẻ.
Chính vì thế, khi triển khai dự án sẽ bị ảnh hưởng khi các luật thay đổi, thường sẽ có nhiều điều luật áp dụng cho 1 dự án quy mô lớn trong suốt chu kỳ phát triển. Điều đó khiến cho doanh nghiệp BĐS như chúng tôi gặp khó khăn, lúng túng, không biết phải điều chỉnh, xin cấp phép dự án như thế nào mới chính xác theo yêu cầu của Nhà nước.
Bên cạnh đó còn là áp dụng luật cho những hạng mục như xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng... cũng tương tự như những khó khăn bên trên mà chúng tôi vừa nêu ra. Sắp tới, khi Quốc hội thông qua Luật đất đai (sửa đổi) chúng tôi kỳ vọng những đại biểu, nhà định hướng chính sách cho thị trường BĐS nghiên cứu kỹ thực tế thị trường hơn, đặt tâm thế của nhà hoạch định chính sách vào thị trường này, để từ đó Quốc hội ra được 1 bộ luật thiết thực, tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, điều đó cũng giúp cho thị trường BĐS được minh bạch, vận hành theo cơ chế thị trường tự do, có những chỉ tiêu hay thông số định giá, tính thuế sử dụng đất, thời gian sở hữu BĐS cho doanh nghiệp hay người dân theo cách dễ dàng, thuận tiện, phù hợp nhất với bối cảnh Việt Nam trong tương lai.
Doanh nghiệp mong bộ luật mới có tầm nhìn dài hạn, đi trước thị trường, tạo tính định hướng, quy hoạch tổng thể để các doanh nghiệp căn cứ triển khai, theo đó phát triển bền vững.
Còn ông Phạm Gia Hoan (thị trấn Lộc Bình, Lộc Bình, Lạng Sơn) thì chia sẻ: Tôi cũng đã nghiên cứu và có ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Dự thảo đã có nhiều điểm mới, liên quan trực tiếp đến những người dân chúng tôi.
Tôi hoàn toàn nhất trí dự thảo Luật quy định theo hướng cho phép hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Nhà nước giao đất, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức khi hết hạn sử dụng đất thì không phải làm thủ tục gia hạn mà vẫn được thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Tôi thấy quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp và giao trách nhiệm cho UBND tỉnh quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Quy định như vậy đã tạo thuận tiện cho áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất hàng hoá, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và để hộ gia đình, cá nhân yên tâm đầu tư vào sản xuất.
Tôi kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi lần này được Quốc hội thông qua sẽ gỡ bỏ những "nút thắt" chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội…