Không chỉ ở Hà Nội, nhiều đô thị lớn trên cả nước cũng đang diễn ra tình trạng tương tự. Một điểm dễ nhận thấy là các dự án chiếm đất, không chỉ làm xấu hình ảnh đô thị, mà còn tạo ra những vùng đất hoang hóa, gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Tại nhiều dự án, xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích, tạo ra tình trạng tranh chấp, chiếm dụng, gia tăng vấn đề mất trật tự, văn minh đô thị.
Nghiêm trọng hơn, có những dự án, sau nhiều lần chuyển đổi, điều chỉnh, đất đai bị phân chia, chuyển nhượng sai đối tượng, sai mục đích sử dụng. Mà những vụ án tham nhũng của Vũ Nhôm liên quan đến đất đai vừa qua là một minh chứng.
Ảnh minh họa |
Lần theo những mối liên hệ, những qui trình “chuyển đổi đất đai” không khó nhận thấy, còn không ít kẽ hở để “con voi chiu lọt lỗ kim” trong lĩnh vực này. Và lật lại những vụ án tham nhũng đất đai từ trước đến nay, sẽ thấy các sai phạm có đủ cung bậc, tính chất - từ không nắm vững luật pháp, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, đến cố ý làm sai, tham nhũng...
Thực tế cho thấy, trong quản lý đất đai, các định chế về “giao đất”, và “thu hồi đất” còn những khoảng trống rất dễ đẩy những người được trao quyền ở lĩnh vực này “lầm lối”. Đất đai được coi là sở hữu toàn dân. Có “giao đất” thì tài nguyên đất mới được đưa vào sử dụng ở diện công và tư. Diện công, vào các đề án công trình công cộng được quy hoạch; diện tư, cho dân cư, để ở, được phép chuyển nhượng - thực tế là mua bán - có sự công nhận của pháp luật. Từ đó hình thành hai tình huống: Một là, nếu được nghiêm chỉnh đưa vào các đề án thực - đáp ứng đúng các yêu cầu quốc kế dân sinh - thì tài nguyên được khai thác, đưa lại sự phồn vinh cho đất nước, phúc lợi cho nhân dân; nhưng cũng đất đai đó nếu bị những người có trách nhiệm xử lý, đưa vào những đề án “ảo” để rồi thành những nền nhà được phân lô rao bán, hay những phần đất “cống” cho các vị quan quyền nào đó, hoặc xén cho bản thân thì chúng gia nhập vào thị trường bất động sản và làm giàu cho một số quan chức.
Vì được một số người hiểu đất đai là sở hữu toàn dân ở một nghĩa rất… vụ lợi, nên một thời gian dài, đất đai như những chùm khế ngọt ở khắp nơi (đô thị, miền núi, cả hải đảo…). Theo đó, ngày càng đông đội ngũ những người trong chính quyền - và cả trong cơ quan công quyền có trách nhiệm liên đới trong việc hình thành đề án, quy hoạch - thường xuyên phải đối diện với cám dỗ của những “chùm khế ngọt” đang mời gọi trong tầm tay ấy.
Cũng vì thế, khi pháp luật về đất đai dần hoàn thiện, soi rọi vào thực tiễn, mới lộ rõ những “gương mặt” chiếm đất. Tham nhũng về đất đai đang dần được bóc gỡ với đủ loại đối tượng. Và, qua các vụ án mới thấy, những người “táy máy” “bứt hái khế”… ngày một đông.
Nhìn rộng trên cả nước, khu biệt lại với Hà Nội qua hơn 300 dự án “treo”, sẽ thấy, đây chỉ là một “phần nổi” trong những yếu kém về quản lý, sử dụng đất ở Hà Nội.
Theo quy định của Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít, việc chậm đưa đất vào sử dụng, không bảo đảm tiến độ dự án hay chậm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước... đang gây ra nhiều hậu quả đối với kinh tế - xã hội. Trong số hàng trăm dự án treo ở Hà Nội, có không ít dự án đắp chiếu, bỏ hoang đến gần 20 năm.
Rõ ràng, trong quản lý đất đai, một thời gian dài, do trao quyền tự quyết định cho các cấp quận, huyện và phường, xã quá lớn, không có giám sát chặt chẽ, đã đưa công thổ quốc gia trở thành miếng bánh ngon cho những kẻ đặc quyền. Thế nên, đã đến lúc, cần thiết lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý lĩnh vực này. Bằng không, những khu đất vàng, những đồng ruộng chuyển đổi thành các dự án nhà ở, sẽ chỉ sinh lợi cho một nhóm người mà thôi!