Theo tìm hiểu, Di tích Hải Vân Quan được xây từ thời Trần và được trùng tu dưới thời vua Minh Mạng vào năm 1826. Sau khi xây dựng xong, vua Minh Mạng đã cho khắc ba chữ “Hải Vân Quan” lên cổng hướng về phía tỉnh Thừa Thiên Huế và sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” lên cổng hướng về phía Đà Nẵng. Nơi đây mang nét đẹp kỳ vĩ, cổ kính khó đâu sánh bằng.
Do không rõ ràng trong việc phân cấp quản lý giữa hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng mà một thời gian dài Hải Vân Quan bị bỏ hoang, xuống cấp. Vào tháng 5/2017, Hải Vân Quan đã được Bộ VHTT&DL trao bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia và kiến trúc nghệ thuật; nhằm bảo vệ, tôn tạo, trùng tu, phát huy những giá trị vốn có.
Qua thống kê, Hải Vân Quan mỗi ngày thu hút khoảng 6.000 lượt người đến tham quan và tăng theo từng năm. Dự kiến, trong năm 2018 sẽ có khoảng 2 triệu lượt khách, trong đó 90% là khách quốc tế.
Khảo cổ và xuất hiện nhiều dấu tích quý...
Từ ngày 5/5/2018 đến 3/9/2018, Bộ VHTT&DL đã cho phép Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan.
Với diện tích gần 900m2 khai đào tại 4 mặt lũy thành và trong lòng khu di tích, kết quả khảo cổ đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích Hải Vân Quan thời Nguyễn như: bậc cấp, lối đi của hai cổng, hệ thống tường thành, pháo nhãn cùng dấu vết nền móng kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố. Hoạt động khai quật cũng đã phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn từ 1946 đến 1975, khi quân đội Pháp và Mỹ đồn trú tại đây.
Đối với dấu tích của cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan, kết quả khai quật ở độ sâu 1,4m, mọi dấu tích đã được làm xuất lộ. Qua đó, xác định được chân móng của cổng cũng được bó đá Thanh hình khối hộp chữ nhật giống với cổng Hải Vân Quan. Kích thước cổng rộng toàn bộ 7,9m, cao 6,52m, dày 4,79m; vòm cổng rộng 3,47m, cao 4,55m. Nền cổng lát đá sa thạch, mép ngoài bó vỉa bằng hàng gạch vồ dựng nghiêng, tiếp đến là lớp đá dăm nhỏ đầm chắc với vôi hàu. Trước cổng có khoảng sân rộng 7,9m, dài 7,1m được đầm chặt bằng đất cát và đá núi loại nhỏ, mặt sân nề bằng vữa hàu truyền thống (dày 0,2m). Nền sân này đã trải quan nhiều giai đoạn cải tạo, bồi đắp.
Phía trước nền sân là lối đi của đường thiên lý từ Kinh đô Huế vào cổng thiên hạ đệ nhất hùng quan. Lối đi này rộng 4,8m, chạy men theo hướng đông bắc lên sườn núi phía tây của ngọn Hải Vân Sơn. Ban đầu, hai bên lối đi chỉ tạo thành vách ta luy, nhưng có thể do bị sạt lở sau các trận mưa bão nên đã được kè đắp bằng đá núi để chống sói lở và đảm bảo an toàn cho người đi đường.
Trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học đã phát hiện dấu tích đường thiên lý từ Kinh đô Huế về Hải Vân Quan qua cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Đường thiên lý rộng từ 2,6m đến 2,8m, men theo sườn núi. Tại đây còn có dấu vết của một trạm gác với bó móng được xếp bằng đá núi.
Với vai trò là một lũy thành phòng thủ, kiểm soát an ninh qua lại trên đường thiên lý Bắc - Nam cũng như các tàu thuyền trên biển, từ cổng Hải Vân Quan đến Thiên hạ đệ nhất hùng quan được xây dựng một hệ thống tường thành khép kín, bao bọc toàn bộ khu di tích. Những dấu tích hiện còn ngày nay cho thấy, với chiều rộng hơn 1m, được xếp đá ngay ngắn đã làm cho nhiều người ngộ nhận là hệ thống tường thành ở đây còn khá nguyên vẹn.
Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, thám sát và khai quật, kết quả khảo cổ đã tìm thấy nhiều dấu vết nền móng tường thành cũ, cho thấy quy mô của tường thành xây dựng thời Nguyễn có phạm vi phân bố rộng hơn hệ thống tường thành hiện nay. Tường thành được xây theo kết cấu “thượng thu hạ thách”, chân móng rộng 2,2m, thân tường rộng 1,9m, cao 2,3m - 2,4m được xếp bằng đá núi, khít mạch.
Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ cũng đã thu thập được một số loại di vật, gồm: vật liệu gạch, ngói, mảnh vỡ các loại hình đồ sành, sứ, gốm men, đồ đất nung và mảnh bia đá thời Nguyễn; các đồ sinh hoạt được làm bằng sắt, inox và thủy tinh của binh lính quân đội Pháp, Mỹ...
Chọn phương án trùng tu, bảo tồn
Sau khi có kết quả khai quật khảo cổ học và nghiên cứu kỹ tài liệu chính sử; ngày 17/9/2018 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP. Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan”.
Các đại biểu đều cho rằng việc bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị của di tích trong giai đoạn này là hết sức cấp thiết, góp phần gìn giữ di sản văn hóa, phát triển kinh tế, du lịch... phục vụ công tác xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.
Đơn vị tư vấn là Phân viện Khoa học Công nghệ và Xây dựng miền Trung đề xuất hai phương án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Phương án thứ nhất là phục hồi toàn bộ các công trình thời nhà Nguyễn phía trong vùng I bảo vệ di tích, một đoạn đường thiên lý đi về phía Huế và đường dốc đi về phía Đà Nẵng. Những công trình nằm giữa khu vực I và II của di tích - các công trình được xây dựng giai đoạn 1946 - 1975 sẽ được bảo tồn thích nghi. Phương án này theo đó sẽ có 15 hạng mục, với kinh phí khoảng hơn 39 tỉ đồng.
Ở phương án thứ hai, bảo tồn nguyên trạng các công trình được xác định có trước giai đoạn 1975, đặc biệt là thời kỳ chiến thắng Đồn Nhất (thời kỳ chống Pháp) với kinh phí đề xuất hơn 23 tỉ đồng.
Đã có 8 đại biểu trình bày ý kiến về phương án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị của di tích Hải Vân Quan. Đa số các ý kiến đến từ những nhà quản lý, nhà nghiên cứu đều nghiêng về phương án thứ nhất. Tuy nhiên, các đơn vị lập dự án phải khảo sát kỹ tư liệu lịch sử, hoàn chỉnh dự án và bổ sung các hạng mục hạ tầng dịch vụ như bãi đỗ xe, khu dịch vụ… Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhiều cứ liệu lịch sử mô tả chi tiết công trình Hải Vân Quan qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau để bổ sung cho tổng thể về cảnh quan, chi tiết công trình cũng như những yếu tố lịch sử, văn hóa, phong thủy... của di tích mà đề nghị trong quá trình lập dự án phải đặc biệt lưu ý.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ, các đơn vị phải đặc biệt chú ý đến các cứ liệu lịch sử, đặc biệt là trong phần Kinh sư của Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Nhất thống chí, Ô Châu Cận lục... đã ghi chép khá chi tiết về di tích Hải Vân Quan.
“Khi khôi phục một đoạn của con đường Thiên Lý Bắc Nam, sân đệm thì phải khôi phục cả hai phía Huế và Đà Nẵng như nhau. Đặc biệt, bia chiến thắng Đồn Nhất (thời Pháp) phải cân nhắc để lựa chọn địa điểm phù hợp trong tổng thể của công trình. Phải có quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch, dịch vụ cho công trình để phát huy giá trị di sản sau khi phục hồi...”- ông Hoa nêu ý kiến.
Theo Tiến sỹ Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, yêu cầu ban đầu đặt ra đối với Hải Vân Quan là quy hoạch toàn bộ đỉnh đèo Hải Vân. Tuy nhiên, khối lượng công việc đó không thể kịp để khởi công dự án phục hồi, tôn tạo di tích trong năm 2019 do đó nên chia dự án thành hai bước. Bước một, quy hoạch trùng tu vùng lõi di tích. Bước hai là quy hoạch tổng thể đỉnh đèo Hải Vân gắn với phát huy giá trị kiến trúc công trình, tôn tạo cảnh quan, sắp đặt hệ thống nhà nghỉ dưỡng, hàng quán, điểm thu gom rác thải...
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, những ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu sẽ được lãnh đạo hai địa phương lắng nghe, tiếp thu để hoàn thiện dự án và sớm triển khai thực hiện.
“Đây là di tích lịch sử quan trọng, thắng cảnh không chỉ của hai địa phương mà còn của miền Trung và quốc gia. Sau hội thảo này, lãnh đạo hai địa phương tiếp tục ngồi lại với nhau để thống nhất chọn một phương án khả thi nhất. Hy vọng trong thời gian không xa, Hải Vân Quan trở thành điểm du lịch hấp dẫn của cả nước và là niềm tự hào của con dân hai xứ Thuận - Quảng xưa và nay là Huế - Đà Nẵng”- ông Dung nhấn mạnh.
|