Làm giàu từ nghề nuôi dúi, “bỏ túi” nửa tỷ mỗi năm

11/01/2019 11:36

(TN&MT) - Từ số lượng chỉ vài cặp dúi, sau 5 năm cần cù lao động và tìm hiểu cách nuôi dúi thuần. Đến nay, gia đình anh Lê Văn Vinh (SN 1992) ở thôn 2, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa đã có trong tay gần 400 cặp dúi, mang lại thu nhập 500 triệu đồng/ năm.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, công việc không như ý muốn, anh Lê Văn Vinh, quê ở thôn 2, xã Vân Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã về cùng gia đình nuôi dúi và mở rộng theo mô hình trang trại.

Mô hình nuôi dúi của gia đình anh Lê Văn Vinh ở thôn 2, xã Vân Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) hiện gần 400 cặp.
Mô hình nuôi dúi của gia đình anh Lê Văn Vinh ở thôn 2, xã Vân Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) hiện gần 400 cặp
 

Dúi vốn là loài gặm nhấm, thức ăn của chúng rất đơn giản chỉ là thân cây tre, bắp ngô, thóc… Nắm bắt được điều này, anh Vinh đã nuôi thử 10 cặp dúi, rồi sau đó tìm hiểu về tập tính, khả năng thích nghi và cách chăm sóc phù hợp. Sau 5 năm nuôi dúi, qua mỗi năm đàn dúi phát triển tốt, lớn nhanh, mỗi năm dúi mẹ sinh sản 4 lứa, mỗi lứa từ 2-5 con. Đến nay, trang trại của anh đã lên tới 400 cặp dúi, mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Theo anh Vinh, so với cái vật nuôi khác thì dúi rất ít bệnh, dễ chăm sóc, sức đề kháng tốt. Khâu chăm sóc dúi nên thường xuyên dọn dẹp, chu kỳ 15-20 ngày vệ sinh 1 lần để đảm bảo sự khô ráo, thông thoáng, đồng thời cần tránh việc để dúi ăn thức ăn đã hỏng, khi đó dúi mới phát triển khỏe mạnh. Mùa hè nắng nóng, phải có hệ thống phun sương làm mát cho dúi, mùa đông thì đảm bảo chuồng trại kín gió. Khi dúi sinh sản được khoảng 2 tháng, tiến hành tách mẹ và nuôi ở chuồng riêng biệt, số lượng mỗi chuồng khoảng 3-5 con.

Thức ăn của dúi chủ yếu là mía, lá tre, ngô…
Thức ăn của dúi chủ yếu là mía, lá tre, ngô…
 

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm nuôi dúi, anh Vinh cho rằng: Tuy dúi là loài dễ nuôi, nhưng nếu không hiểu rõ được tập tính của chúng thì rất dễ thất bại. Ban đầu mới nuôi thường khá bỡ ngỡ, dúi phát triển kém và khả năng sinh sản thấp. Sau khi tìm hiểu và học hỏi thêm về cách chăm sóc, phòng bệnh cho dúi, thì việc nuôi chúng là khá dễ dàng. Nuôi dúi cần chú ý đến dúi cái, ví dụ như thời kỳ sinh sản, nếu không cung cấp thức ăn giàu canxi như xương lợn, xương bò…cho chúng thì sẽ xảy ra việc dúi mẹ sẽ ăn thịt dúi con. Hay việc, khi nuôi dúi được 7 tháng, đó là thời điểm dúi phát dục, cần ghép đôi để chúng giao phối, nên người nuôi cần chú ý quan sát và lựa chọn bạn đời phù hợp, sao cho hai cá thể không xảy ra xung đột.

“Về kỹ thuật chuồng trại thì chuồng dúi không tốn nhiều diện tích, 100m² có thể làm được từ 100 đến 120 chuồng, mỗi chuông nuôi nhốt 3-5 con. Chuồng nuôi phải đổ bê tông, theo kích thước hình vuông, tối thiểu phải đạt 50cm và phải đảm bảo kín gió, không bị ánh sáng chiếu trực tiếp và bố trí chuồng ở nơi yên tĩnh”.

Với giá bán 1-1,5 triệu/cặp, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình anh Vinh thu về 500 triệu đồng.
Với giá bán 1-1,5 triệu/cặp, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình anh Vinh thu về 500 triệu đồng
 

Dúi giống nuôi khoảng 2-3 tháng, đạt trọng lượng từ 0,5-0,7 kg là có thể xuất bán; dúi thương phẩm phải nuôi từ 7-10 tháng, đạt trọng lượng từ 1,3-1,5 kg. Mỗi năm anh Vinh xuất bán khoảng 500 con giống; 300 con thương phẩm, giá dao động 1-1,5 triệu/cặp, trừ chi phí anh thu về khoảng 500 triệu mỗi năm. Trang trại của gia đình anh Vinh hiện có 150 cặp dúi bố mẹ, 250 cặp dúi giống. Vì dúi thuộc diện đặc sản, thịt thơm ngon, ăn lạ miệng và ít người nuôi nên số lượng nuôi không đủ để cung ứng ra thị trường. Nhiều nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương thường trực tiếp đến trang trại của anh Vinh mua dúi.

Hiện nay, cùng với gia đình anh Vinh, xã Vân Sơn có gần 20 hộ nuôi dúi. Thời gian tới, anh Vinh cho biết, sẽ mở rộng chuồng trại và tăng số lượng đàn dúi và dự định xuất khẩu dúi sang một số nước lân cận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm giàu từ nghề nuôi dúi, “bỏ túi” nửa tỷ mỗi năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO