Làm gì để Hà Nội sạch hơn?: Phân loại rác tại nguồn: Vẫn dừng ở thí điểm

06/08/2019 13:08

(TN&MT) - Câu chuyện phân loại rác tại nguồn chúng ta đã hô hào cách đây hơn 10 năm với mong muốn giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tái sử dụng nguồn thải. Chính sách, quy định cho thực thi điều này cũng được TP. Hà Nội xây dựng từ lâu, nhưng đến nay, vẫn chưa thể đi vào đời sống. Vậy nguyên nhân do đâu?

Chưa đủ điều kiện nhân rộng

Hơn 10 năm trước, nhiều địa phương trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã thực hiện phân loại rác tại nguồn. Giai đoạn năm 2006 - 2009, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) triển khai phân loại rác tại nguồn với mô hình 3R theo dự án do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và thí điểm tại 4 phường của 4 quận nội thành.

anh 2
Các loại rác lại thu gom về chung 1 xe chở rác. Ảnh: Tuyết Chinh

Theo mô hình này, người dân được hướng dẫn phân rác thải thành 3 loại: rác hữu cơ (hoa, rau, củ, quả...), rác vô cơ (xương, sành sứ...), rác tái chế (giấy, bìa, nhựa, kim loại…). Sau khi thu gom, rác vô cơ được chuyển đến bãi rác Nam Sơn; rác hữu cơ đưa đến Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn để sản xuất phân bón; rác tái chế dành cho người thu gom phế liệu. Thế nhưng, từ năm 2009 đến nay, sau khi kết thúc thí điểm, mô hình phân loại rác tại nguồn vẫn chỉ dừng ở… thí điểm.

Ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng Giám đốc URENCO cho biết, đây  là mô hình tiến bộ. Tuy vậy, nó không thể thành công bởi chưa đủ điều kiện nhân rộng trên toàn thành phố.

Chính sách - đầu tư - xử lý đều… nửa chừng

Ông Nguyễn Hữu Tiến cho rằng, chúng ta cứ bàn đến phân loại rác tại nguồn rồi thực hiện các mô hình thí điểm, nhưng cũng không đi đến đâu vì chưa có cơ chế thúc đẩy sau khi phân loại từ các cơ sở thu gom, tái chế cho đến chính sách.

“Nếu đã phân loại rác tại nguồn ra rác vô cơ, rác hữu cơ cũng cần 2 xe để thu gom, 2 ô tô vận chuyển và 2 cơ sở xử lý riêng. Người dân đã phân loại rác, nhưng đơn vị thu gom đổ chung các loại rác vào cùng một xe vận chuyển khiến cho việc này thành “công cốc”, ông Nguyễn Hữu Tiến phân tích.

Trong khi đó, việc triển khai phân loại rác tại nguồn lại thực hiện không đồng bộ trên toàn thành phố nên không tạo được tính liên tục và thói quen cho người dân; bản thân người dân vẫn còn túng trong việc nhận diện chất thải. Mặt khác, công tác tổ chức lại hệ thống thu gom còn nhiều khó khăn do có nhiều cá nhân, tổ chức cùng tham gia thu gom.

Trước thực tế đó, ông Tiến cho rằng, công tác phân loại rác tại nguồn muốn thành công phải đầy đủ, đồng bộ từ chính sách - công nghệ - phạm vi và thực thi ba điều đó. Đã đến lúc cơ quan quản lý phải xác định được công nghệ xử lý rác nào phù hợp. Nhà nước phải đưa ra cơ chế, chính sách để nhà đầu tư làm - chính là cơ chế quản lý để phát triển công nghệ đó và thống nhất chủ trương về vấn đề này.

Đồng thời, trong chính sách đưa ra đối với phát triển công nghệ cần đảm bảo việc kiểm soát chất lượng và thực thi. “Khi đã có công nghệ và chính sách cho công nghệ, việc phân loại rác tại nguồn phải là bắt buộc. Nghĩa là người thải ra rác bắt buộc phải phân loại rác”, ông Nguyễn Hữu Tiến nhấn mạnh.

Do vậy, ông Tiến muốn người dân phân loại được rác, đầu tiên phải quản lý, kiểm soát được nguồn phát sinh rác thải. Chỉ khi nào làm đồng bộ tất cả những điều này việc phân loại rác tại nguồn mới có thể đi đến thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để Hà Nội sạch hơn?: Phân loại rác tại nguồn: Vẫn dừng ở thí điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO