(TN&MT) - Trước đề xuất của tỉnh Bình Phước về việc xây dựng cầu trên tuyến đường Bà Hào – sân bay Rang Rang (Đồng Nai) và Đồng Xoài – Đồng Phú (Bình Phước) đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, nhiều ý kiến lo ngại ảnh hưởng đến môi trường, bảo tồn thiên nhiên, thậm chí, có thể bị UNESCO thu hồi công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cần xem xét kỹ lưỡng, tìm phương án phù hợp hơn!
Cân nhắc được – mất
Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai là khu rừng đặc dụng có diện tích 100.572 ha nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, một trong hơn 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới được xác định trong “Global 200 Ecoregions”. Đây là nơi cư trú và di trú của nhiều loại động vật quý hiếm như voi, bò tót, các loài linh trưởng; nhiều loại cây gỗ quý có giá trị về bảo tồn thiên nhiên gắn với bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái, đa dạng sinh học và trước đây còn là vùng căn cứ nổi tiếng - Chiến khu D.
Đến nay, Đồng Nai là một trong ít địa phương còn giữ được diện tích rừng tự nhiên rộng lớn với hàng trăm ngàn héc-ta rừng liền mạch - vùng đất được các nhà khoa học đánh giá là điểm nóng về đa dạng sinh học của khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, khi được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, khu vực này là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia và nhân loại; là tiềm năng và cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Thế nhưng, trước yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông để kết nối với các địa phương, đặc biệt là kết nối với sân bay Long Thành, tỉnh Bình Phước đề xuất xây cầu Mã Đà, tuyến đường ĐT 753 sẽ kết nối với đường ĐT 761, sau đó nâng cấp thành quốc lộ 13C đi qua KBT thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai (vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai) đến quốc lộ 1 (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), rút ngắn khoảng cách từ Bình Phước đi sân bay Long Thành khoảng 60 km. Đến nay, tỉnh Bình Phước đã xây dựng tuyến đường bên phần địa giới hành chính của mình từ Đồng Xoài đến địa điểm, nơi đề xuất xây cầu Mã Đà thuộc ranh giới tỉnh Đồng Nai.
Với đề xuất của tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, căn cứ vào các quy định pháp luật, việc xây dựng cầu Mã Đà tạo ra tuyến đường gần 40km đi xuyên qua Khu bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai đã được UNESCO công nhận là vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới là không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết về bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ nghiêm diện tích rừng hiện hữu, sinh cảnh sống của các loài động vật quý, hiếm và gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Khi có tuyến đường đi xuyên qua KBT thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai - vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, người dân tự ý lưu thông trên đường rừng sẽ gây khó khăn về phòng cháy rừng trong mùa khô.
Cùng quan điểm, Ủy ban Quốc gia chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam (MABVN) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ TN&MT, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; trong đó, kiến nghị không xây dựng cầu Mã Đà. Đây là các hoạt động vi phạm nghiêm trọng Chiến lược Seville của UNESCO/MAB (chương trình Con người và sinh quyển), đi ngược định hướng của Chiến lược MAB 2015-2025, Kế hoạch hành động Lima 2016-2025. Nếu tổ chức UNESCO can thiệp thì sẽ thu hồi danh hiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Không phù hợp với pháp luật Việt Nam và cam kết quốc tế
Cho ý kiến về việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường 13C đi qua vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, lãnh đạo Tổng cục Môi trường phân tích: Theo các điều ước quốc tế như Công ước Di sản văn hóa thế giới của UNESCO, Công ước Ramsar, Công ước về Đa dạng sinh học, đặc biệt là Hướng dẫn của UNESCO đối với khu dự trữ sinh quyển thế giới có quy định: “Trong các vùng lõi của một số khu dự trữ sinh quyển, hoạt động của con người là không được phép (ngoại trừ hoạt động nghiên cứu khoa học không phá hủy, giám sát và giáo dục có tác động thấp)”. Bên cạnh đó, Khung Pháp lý của Mạng lưới các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Chiến lược Seville và Kế hoạch Hành động LIMA, vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới phải được áp dụng các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt để bảo tồn, giám sát đa dạng sinh học và văn hóa. Các hoạt động được thực hiện trong vùng lõi Khu DTSQTG bao gồm bảo tồn, giáo dục môi trường, đào tạo và nghiên cứu.
Về quy định pháp luật trong nước, theo quy định tại Điều 7, Luật Đa dạng sinh học thì hành vi “Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn” là bị nghiêm cấm. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn, tại Điều 20, khoản 1, điểm a, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai là Di sản thiên nhiên. Cụ thể hơn, theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thì Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được công nhận là Di sản thiên nhiên cấp Quốc gia đặc biệt. Theo điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định này, khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đồng thời là vùng lõi di sản thiên nhiên. Tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về phân vùng môi trường quy định: phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt bao gồm khu bảo tồn thiên nhiên.
Như vậy, theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và pháp luật về bảo vệ môi trường nêu trên thì việc xây dựng tuyến đường 13C đi qua vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai sẽ không phù hợp nếu không phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh. Trường hợp Dự án này được phép triển khai sẽ thuộc nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao. Theo đó, chủ dự án sẽ phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư; thực hiện ĐTM trong giai đoạn quyết định đầu tư; trong đó, cần bảo đảm phù hợp với các quy hoạch có liên quan; phải đưa ra các phương án hướng tuyến và đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả tối ưu về KT-XH và môi trường đối với phương án được lựa chọn. Trong quá trình thực hiện ĐTM cần phải đánh giá sâu và lấy ý kiến của tổ chức chuyên môn đối với nội dung đánh giá tác động về đa dạng sinh học, đặc biệt là các tác động đối với KBT theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Ngoài ra, cần lưu ý đến một số quan điểm của Đảng và Nhà nước có liên quan như: Tại mục 5 Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã chỉ đạo: không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định).
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/08/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trên phạm vi cả nước và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu ban hành Quy định về việc không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trên phạm vi cả nước.
Ngoài ra, theo Luật Lâm nghiệp: Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp (khoản 4 Điều 9); không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt (khoản 2, Điều 14); Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng từ 50 ha trở lên; Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha (Điều 20).
Trong khi đó, theo Nghị định số 83/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, khi phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, các dự án phải đảm bảo các tiêu chí sau: Có đề xuất dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công; Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Được UBND cấp tỉnh xác nhận là dự án bắt buộc phải thực hiện trên diện tích có rừng tự nhiên do không thể bố trí trên diện tích đất khác. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về nội dung văn bản xác nhận nêu trên. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc đề xuất chủ trương và tổ chức thực hiện chuyển rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng khác trên địa bàn; Không nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; không chuyển rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang mục đích khác để triển khai các hoạt động khoáng sản; Có phương án trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Tìm phương án tối ưu, không đi qua vùng lõi
Dù rằng nhu cầu kết nối với các địa phương của tỉnh Bình Phước là chính đáng, song Tổng cục Môi trường lưu ý, cần phải xem xét kỹ lưỡng và thực thi đúng quy định pháp luật Việt Nam và cam kết quốc tế khi xây dựng Quốc lộ 13C.
Quan điểm được đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất là: Không xây dựng công trình tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi hệ sinh thái và không lấn chiếm đất đai, phá hủy cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn theo quy định pháp luật về đa dạng sinh học, trừ trường hợp phục vụ mục đích quốc phòng – an ninh; không hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác theo pháp luật về lâm nghiệp....
Dựa trên quan điểm này, Tổng cục Môi trường đề nghị, tỉnh Bình Phước và các đơn vị liên quan nghiên cứu điều chỉnh tuyến đường quốc lộ 13C tránh, không đi qua Khu bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai - khu vực vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.
“Cần phải bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học. Các phương án về hướng tuyến được đề xuất cần phải được xem xét đánh giá kỹ lưỡng các tác động đến môi trường, đa dạng sinh học cũng như các biện pháp, giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trên cơ sở đó có so sánh, đánh giá về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt”, lãnh đạo Tổng cục môi trường nhấn mạnh./.