Lai Châu xóa bỏ lò gạch thủ công: Đừng chỉ dừng lại ở tuyên truyền!

Hà Thuận| 23/03/2021 11:41

(TN&MT) - Theo lộ trình được UBND tỉnh Lai Châu đặt ra, đến hết 2017, sẽ chấm dứt hoạt động đối với toàn bộ các lò gạch thủ công và chấm dứt các cơ sở sản xuất gạch nung công nghệ lò vòng trước năm 2020. Tuy nhiên, tỉnh Lai Châu vẫn đang ì ạch thực hiện lộ trình đề ra đó. Các lò gạch thủ công vẫn ngang nhiên hoạt động trước sự thiếu quyết liệt của địa phương.

Tỉnh Lai Châu vẫn đang ì ạch trong xóa bỏ các lò gạch thủ công.

Ngày 22/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1469/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định 1469). Theo đó, các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh phải xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020 với lò đứng liên tục.

Thực hiện lộ trình xóa bỏ các lò gạch nung thủ công, ngày 30/12/2016, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Quyết định số 1924/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Lai Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, địa phương này đã xây dựng phương án cụ thể đối với gạch đất nung là chấm dứt hoạt động của tất cả các cơ sở sản xuất gạch thủ công trước năm 2017; các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung công nghệ lò vòng trước năm 2020.

Nếu như thực hiện đúng lộ trình đó, đến hết năm 2017, các lò gạch thủ công phải được xóa bỏ. Thế nhưng, đến nay đã quá thời hạn gần 4 năm nay, một số lò gạch thủ công vẫn ngang nhiên hoạt động trên địa bàn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.

Các lò gạch tập trung ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.

Theo báo cáo của UBND huyện Than Uyên, hiện trên địa bàn còn có 2 nhà máy gạch đất nung công nghệ lò vòng hoffman của HTX Công nông nghiệp Xuân Thủy với công suất 9 triệu viên/năm và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bảo Dương với công suất 6 triệu viên/năm. Cùng với đó, còn 5 lò gạch thủ công của các hộ gia đình đốt bằng than đá tập trung ở xã Mường Than. Nguyên nhân của việc chưa dứt điểm xóa bỏ lò gạch nung thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch được địa phương này xác định là do đặc thù của địa phương và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Có mặt tại khu vực bản Cẩm Trung 2, xã Mường Than, huyện Than Uyên, điều dễ dàng nhìn thấy những lò gạch thủ công tự phát của người dân nằm xen kẽ ngay trong khu dân cư, thậm chí có nhà nằm sát với lò gạch. Tại nơi sản xuất, máy móc hoạt động liên tục, công nhân đưa gạch ra vào lò nung; một khu đất có đến 5 lò gạch liền nhau đang hoạt động. Trong qúa trình sản xuất, khói bụi và các khí thải độc hại xả thẳng ra môi trường, nguy cơ gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người dân.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chung Thủy – Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Than Uyên thừa nhận hiện trên địa bàn huyện vẫn còn các lò gạch thủ công và lò vòng đang hoạt động. Để khắc phục thực trạng này, Phòng Kinh tế - Hạ tầng đã tham mưu cho UBND huyện Than Uyên cùng cấp ủy, chính quyền địa phương có lò gạch thủ công trên địa bàn đã nhiều lần xuống tuyên truyền, vận động các chủ lò hạn chế việc sản xuất gạch. Đồng thời chuyển đổi dần sang ngành nghề khác để chấm dứt hoạt động, đảm bảo môi trường.

Có thể khẳng định, một trong những nguyên nhân khiến cho tiến độ xóa bỏ các lò gạch thủ công tên địa bàn huyện Than Uyên ì ạch cho đến nay là do chính quyền địa phương thiếu kiên quyết. Điều đó dẫn đến một số cơ sở chần chừ, thấy gạch nung được giá nên càng không muốn dỡ bỏ lò gạch, tìm cách “hoãn binh” để sản xuất gạch kiếm lợi, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và làm phát sinh tình trạng khai thác trái phép đất cho hoạt động sản xuất chui.

Các lò gạch vẫn đang hoạt động dẫn đến nguy cơ khai thác đất trái phép để sản xuất.

Theo một chủ lò gạch thủ công tên Hà, ở xã Mường Than cho biết: Đất chúng tôi đi tìm mua về để làm, chỗ nào đất không có đá, chứ đất đồi toàn đá, không làm được. Chỗ nào họ gọi thì chúng tôi mua thôi. Khi có đất thì chúng tôi thuê máy xúc và thuê xe để chở về… Chỉ tay về phía đống đất đang được xúc vào máy sản xuất gạch, chị Hà cho biết thêm, đất này là chúng tôi lấy ở chỗ đoạn cây xăng, gần thị trấn Than Uyên, họ xúc vào bên trong thì mới có đất như vậy.

Vấn đề đặt ra là các hộ dân làm gạch thủ công đều không có giấy phép khai thác đất cũng như giấy phép sản xuất gạch nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động trong nhiều năm qua. Vậy mà chính quyền và các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn. Lý do mưu sinh và nhu cầu tiêu dùng của người dân được đưa ra có thỏa đáng?

 

Theo ông Nhuyễn Chung Thủy cho biết: Ngày 7/12/2020, Sở Xây dựng tỉnh Lai Châu có công văn số 1425/SXD-KT&VLXD về việc thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lạc hậu và thực hiện các dự án sản xuất gạch đất sét nung. Qua đó, đề nghị UBND huyện Than Uyên thực hiện chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng trong năm 2020. Đồng thời, có trách nhiệm thông báo đến các cơ sở sản xuất để các chủ đầu tư có định hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho phù hợp.

Trên cơ sở triển khai thực hiện công văn của Sở Xây dựng, ngày 11/12/2020, UBND huyện Than Uyên đã có công văn gửi UBND thị trấn Than Uyên, UBND xã Mường Than, yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Lai Châu về việc thay thế dần gạch nung bằng vật liệu xây dựng không nung. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân cải tiến công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng không nung. Cùng với đó, yêu cầu HTX Công Nông nghiệp Xuân Thủy; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bảo Dương và các đơn vị sản xuất gạch thủ công trên địa bàn chấm dứt hoạt động sản xuất trong năm 2020. Đề nghị các lò gạch có hướng đầu tư cải tạo, chuyển đổi công nghệ cho phù hợp với chiến lược phát triển vật liệu xây dựng.

Các lò gạch đốt bằng than, khói thải trực tiếp xả ra môi trường gây ô nhiễm không khí.

Ông Nguyễn Chung Thủy cho biết thêm: Thực tế, chúng tôi mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ, chuyển đổi dây chuyền sản xuất, giải quyết việc làm khi xóa bỏ lò gạch, bởi lẽ, tỉnh vẫn chưa đưa ra chế tài để xử lý đối với các lò gạch đang hoạt động.

Một lần nữa, Sở Xây dựng tỉnh Lai Châu và UBND huyện Than Uyên lại tiếp tục đưa ra yêu cầu các lò gạch nung trên địa bàn phải kết thúc hoạt động trong năm 2020. Mặc dù đã nhiều lần yêu cầu song các cơ sở sản xuất gạch nung trên địa bàn huyện Than Uyên vẫn “phớt lờ” những yêu cầu đó. Dư luận không khỏi hoài nghi liệu chính quyền địa phương vẫn chưa quyết liệt hay cố tình “nương tay” để lò gạch thủ công tiếp tục nhả khói.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền sở tại tỉnh Lai Châu cần sự vào cuộc quyết liệt để việc xử lý dứt điểm các lò gạch thủ công. Tỉnh Lai Châu cần có chế tài xử lý với các cơ sở sản xuất gạch nung “không chịu” tháo dỡ để tránh tình trạng “phớt lờ” tất cả những văn bản của các cấp ngành, chính quyền nơi đây. Việc xóa bỏ lò gạch thủ công đừng chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động…

Quyết định số 1469 nêu rõ: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò thủ công như sau: Các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại chậm nhất phải chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào trước năm 2018 với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tùy theo điều kiện cụ thể, khuyến khích các địa phương chấm dứt hoạt động đối với các lò vòng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch; Các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020 với lò đứng liên tục”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lai Châu xóa bỏ lò gạch thủ công: Đừng chỉ dừng lại ở tuyên truyền!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO