Lai Châu triển khai Luật Đất đai 2024: Sẽ tập huấn đến cán bộ địa chính cấp xã
(TN&MT) - Để đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực với người dân, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Lai Châu đã có những chuẩn bị gì và những giải pháp nào? Trả lời cho câu hỏi này, phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Vũ Minh Thức - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu.
PV: Thưa ông, để việc áp dụng Luật, đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống đạt được mục tiêu dân hiểu, dân làm, nhất là đối với đồng bào các DTTS ở Lai Châu, địa phương đã có sự chuẩn bị như thế nào?
Ông Vũ Minh Thức: Ngay sau khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 ngày 18/1/2024, ngày 5/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai 2024. Để triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 222/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Hiện nay, Sở TN&MT đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai Luật tới các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để sớm đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống.
Trước mắt, Sở yêu cầu đội ngũ cán bộ, viên chức phụ trách lĩnh vực đất đai chủ động nghiên cứu kỹ nội dung Luật Đất đai 2024, nhất là những điểm mới. Đặc biệt, các nội dung liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư và các dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Sở TN&MT Lai Châu đề nghị lãnh đạo Sở, phòng, ban, chuyên viên phụ trách đất đai tham dự đầy đủ, nghiêm túc; nghiên cứu thật kỹ các quy định để đóng góp, xây dựng ý kiến tại các hội nghị tập huấn về Luật Đất đai 2024 do Bộ TN&MT tổ chức. Trước khi Luật được áp dụng vào thực tiễn, Sở sẽ giao cho các phòng, ban chuyên môn mở các lớp tập huấn cho cán bộ, chuyên viên phụ trách lĩnh vực của huyện và chính quyền, địa chính xã, phường.
PV: Với vai trò tham mưu, đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện ở cơ sở, ông có dự báo gì về những thuận lợi và khó khăn khi bước đầu triển khai Luật Đất đai 2024 tại địa phương? Nhất là đối với vùng đồng bào DTTS có điều kiện khó khăn như ở Lai Châu, thưa ông?
Ông Vũ Minh Thức: Đối với tỉnh Lai Châu, thuận lợi là người dân chấp hành tốt các quy định về luật pháp nói chung và chính sách đất đai nói riêng. Bên cạnh đó, ngành TN&MT Lai Châu luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo quần chúng nhân dân. Cán bộ, viên chức ngành TN&MT Lai Châu trẻ, nhiệt huyết, năng động, sâu sát với địa bàn, cơ sở, có năng lực chuyên môn.
Tuy nhiên, Lai Châu là tỉnh miền núi, chủ yếu là đồng bào các DTTS, ngôn ngữ bất đồng, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là kiến thức về Luật Đất đai… Cán bộ xã, phường nhận thức chưa đầy đủ, có lúc có nơi buông lỏng quản lí đất đai; hồ sơ, số liệu cập nhật chưa kịp thời… nên việc áp dụng Luật vào thực tiễn sẽ có những khó khăn nhất định.
Mặt khác, do trình độ dân trí và điều kiện khó khăn về giao thông, địa lí, việc triển khai Luật tới đây cũng sẽ gặp nhiều khó khăn so với các tỉnh miền xuôi, nhất là khu vực vùng cao, biên giới. Song, chúng tôi luôn tin tưởng và kỳ vọng, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu, Luật Đất đai 2024 sẽ sớm được triển khai sâu rộng, được các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp đón nhận để sớm đưa Luật vào cuộc sống.
PV: Xin ông cho biết, tới đây, khi Luật Đất đai 2024 được áp dụng sẽ giúp Lai Châu tháo gỡ được những vướng mắc nào trong quản lý đất đai tại cơ sở? Đặc biệt, đối với vùng đồng bào DTTS ở Lai Châu?
Ông Vũ Minh Thức: Luật Đất đai 2024 đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho HĐND tỉnh. Khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ giúp các địa phương, trong đó có Lai Châu tháo gỡ được những vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là các dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Đồng thời, việc phân cấp cho HĐND cấp tỉnh ban hành chính sách về đất đai cũng sẽ tạo chủ động cho Lai Châu triển khai thực hiện chính sách đất đai đối với người dân nói chung và đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn Lai Châu nói riêng.
Luật Đất đai 2024, đã quy định cụ thể 32 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Luật cũng phân cấp cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không phân biệt theo đối tượng sử dụng đất như Luật Đất đai năm 2013.
Đồng thời, Luật Đất đai 2024 đã quy định các hình thức bồi thường, trong đó có quy định người bị thu hồi đất nông nghiệp được bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở, người bị thu hồi đất phải có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.
Ví dụ: Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, tại khoản 2, Điều 91, Luật Đất đai 2024 quy định: “Đối với người có đất thu hồi, nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở.” Điều này tạo hướng mở, trong trường hợp người dân có nhu cầu sử dụng đất khác và Nhà nước không có quỹ đất cùng mục đích đất bị thu hồi sẽ xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, tạo đồng thuận trong nhân dân và Nhà nước có phương án lựa chọn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đây là một trong những điểm mới so với Luật Đất đai năm 2013 và là quy định hết sức cần thiết, đáp ứng mong đợi của đồng bào DTTS về bảo đảm sinh kế, không gian sinh tồn và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tốt đẹp của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói riêng và các dân tộc trên phạm vi cả nước nói chung.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!