Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ: Khát vọng hòa bình trong “Điệp khúc tình yêu”

Việt Hải| 27/07/2021 09:21

(TN&MT) - Hòa bình - hai tiếng thiêng liêng ấy luôn là mạch nguồn cảm xúc chắp cánh cho những tác phẩm âm nhạc bay xa. Dẫu là những bài hát ra đời trong chiến tranh, hay dưới bầu trời hòa bình, thì khát vọng Hòa Bình vẫn luôn luôn cháy bỏng. Những ca khúc được viết nên, không chỉ để hát, mà còn là lời nhắn gửi cho hiện tại, tương lai. “Điệp khúc tình yêu” của nhạc sĩ Trần Tiến cũng không nằm ngoài thông điệp ấy.

Nhớ cái hôn đầu tiên anh chưa dành cho em

Nhớ bài tình ca đầu tiên, anh chưa dành cho em

Nhớ…

“Điệp khúc tình yêu” đã mở đầu như vậy. Phải chăng đó là lời “sám hối”, là khúc dạo đầu “Bản kiểm điểm” trước người yêu? Chiếc hôn đầu tiên trong đời là chiếc hôn đẹp nhất, là ban mai trong văn vắt màu mây, là giọt sương run run đầu ngọn cỏ, là trái tim run rẩy những nhịp đập chẳng bình thường. Chiếc hôn ấy và bản tình ca ấy anh không dành cho em. Nhưng sao nó khiến nỗi nhớ dày vò đến thế. Có điều gì nghịch lý ẩn trong khung trời ký ức kia không. Từng nhịp buông lơi dè dặt khiến người nghe tò mò, liên tưởng, và rồi, như cánh màn sân khấu được kéo bung ra đột ngột, một mảng sáng gay gắt chợt ùa đến chói chang.

Nghi thức thả chim hòa bình trong Lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên. Ảnh 2019.

Tuổi trẻ của chúng ta đã đi qua chiến tranh

Nhớ…

Chiến tranh, có nghĩa là mất mát đau thương, là những người đi không hẹn ngày về, là mẹ tựa cửa chờ con, vợ mòn mỏi đợi chồng, là những lời ước hẹn lứa đôi vỡ lở. Người lính hy sinh trong vòng tay đồng đội. Cả một trời quê hương gửi lại. Đôi mắt như còn chưa muốn khép vì sự nghiệp giải phóng đất nước chưa thành, vì lời ước hẹn còn dở dang. “Cái hôn đầu tiên”  anh hôn lên đôi mắt người đồng đội, là lời hứa sẽ trả thù cho bạn, sẽ đi tiếp con đường bạn đang đi… Chiến tranh kéo qua đất nước chúng ta, kéo qua những mái nhà, những cuộc đời, những tình yêu. Bản tình ca đầu tiên trong đời anh không thể hát cho riêng mình, mà chính là bản tình ca - tình yêu dành cho đất nước.

“Điệp khúc tình yêu” chưa một lần nhắc đến hai chữ Hòa Bình. Nhưng khát vọng hòa bình như ngọn lửa, rừng rực cháy, âm ỉ cháy trong từng thớ mạch ca từ. Mỗi lời ca rung lên như hơi thở, mạch đập của trái tim:

 Tuổi trẻ của chúng ta đã đi qua chiến tranh

Nhớ cái hôn đầu tiên là hôn lên đôi mắt của người bạn đã hy sinh

Nhớ bài tình ca đầu tiên là hành khúc lên đường.

Trần Tiến viết “Điệp khúc tình yêu” trong những năm tháng đất nước vừa bước qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dài dặc và gian khổ, nhưng tiếng súng vẫn còn chưa yên trên mảnh đất biên giới, từng đoàn quân lại nối tiếp nhau lên đường giữ gìn bình yên biên cương Tổ quốc. Hiện tại chồng lên quá khứ. Hy sinh chồng hy sinh. Mất mát chồng mất mát. Khát vọng hòa bình không bao giờ tắt. Dù cái giá của hòa bình phải trả bằng mất mát hy sinh. Tuổi thanh xuân của nhạc sĩ Trần Tiến là những năm tháng hành quân cùng bước chân của người chiến sĩ. Ông đã từng chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, cũng đã từng bị thương, bị lạc đơn vị, bị sốt rét quật tưởng gục ngã. Càng trong những khoảnh khắc mong manh giữa sự sống và cái chết, khát vọng sống, khát vọng yêu, khát vọng hòa bình trong ông càng bùng cháy lên mãnh liệt. Và ông càng hiểu hơn cái giá thiêng liêng của hòa bình.

Trong “Điệp khúc tình yêu”, có cái hào sảng của âm hưởng nhạc cách mạng hòa trộn với tinh thần sôi động của dòng nhạc trẻ trong giai đoạn đầu “đặt chân” vào nền âm nhạc Việt Nam. Trần Tiến là một trong lớp nhạc sĩ đầu tiên thử sức với dòng nhạc trẻ và “Điệp khúc tình yêu” cũng là một trong những nhạc phẩm khá thành công của sự thử sức ấy. Trong “Điệp khúc tình yêu”, có quá khứ làm nền cho hiện tại, có lý tưởng lớn lao nâng lên ước vọng riêng tư của tuổi thanh xuân. Dù tiếng súng vẫn còn rình rập đâu đây nhưng không thể làm tắt đi những khát vọng yêu đương tuổi trẻ, khát vọng ấy phải được cháy lên trong ánh sáng của hòa bình:

Hôm nay anh sẽ hát/ Anh sẽ hát, bài hát của chúng ta.

Bài hát tình yêu bao lứa đôi vẫn hát suốt chặng đường mười nghìn ngày gian khổ, nhưng đó là tiếng hát gói ghém trong những lời ước hẹn, tiếng hát gửi qua những cánh thư, tiếng hát giấu trong tim trên những chặng đường hành quân, sau mỗi trận đánh thù… Còn “hôm nay”, tiếng hát tình yêu được tự do cất lên, cho anh, cho em, cho bao lứa đôi, cho cả một thế hệ, cho cả hôm nay và cho cả mai sau. Ta sống cho riêng ta, ta của riêng ta trong ngàn vạn cuộc đời, vẫn không thể quên một thời lửa cháy:

Hãy hát lời lửa cháy bằng trái tim tình yêu/ Hãy hát lời tình yêu bằng trái tim lửa cháy/ Hãy hát lời lửa cháy bằng trái tim yêu thương/ Hãy hát lời yêu thương bằng lửa cháy trong ta.

Trân trọng quá khứ để nâng lên hiện tại, “Điệp khúc tình yêu” là khát vọng cộng hưởng của muôn triệu trái tim, bởi nó được cất lên từ giá trị thiêng liêng của đất nước: Giá trị của Hòa bình. Đó, không chỉ là khát vọng của riêng dân tộc Việt Nam, mà còn là khát vọng chung của toàn nhân loại tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ: Khát vọng hòa bình trong “Điệp khúc tình yêu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO