Ngành TN&MT

Kỷ niệm 20 năm thành lập Sở TN&MT TP.HCM: Đóng góp to lớn cho thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM

Nguyễn Quỳnh 27/07/2023 08:10

(TN&MT) - Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, dù trải qua không ít khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực, Sở TN&MT TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả trên tất cả các mặt, từng bước phát triển, đóng góp lớn vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM - đầu tàu kinh tế của đất nước, khẳng định vị thế ngày càng lớn mạnh của ngành TN&MT.

Ngày 18/7/2003, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 121/2003/QĐ-UB thành lập Sở TN&MT trên cơ sở hợp nhất tổ chức của Sở Địa chính - Nhà đất và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Sở Giao thông vận tải.

a1.-dat-dai-la-nguon-luc.jpg
Sở TN&MT TP.HCM đã góp phần đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội

Đến nay, Sở TN&MT TP.HCM liên tục được củng cố, kiện toàn, chức năng, nhiệm vụ ngày càng lớn và khẳng định được vai trò của một Sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Tổ chức bộ máy của Sở có 10 phòng, 1 đơn vị hành chính, 9 đơn vị sự nghiệp với tổng số 1.824 công chức, viên chức và người lao động.

Đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Một trong những thành tựu nổi bật của ngành TN&MT trong 20 năm qua là công tác quy hoạch về đất đai. Cùng với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai chính là gốc để định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Hiện, TP.HCM đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Giai đoạn 2014 -2020, nguồn thu từ đất đai của TP.HCM đạt 234.316 tỷ đồng, gồm tiền sử dụng đất; tiền thuê đất; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; phí, lệ phí,...

Từ năm 2003 đến nay, Sở TN&MT đã thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 2.670 dự án, với tổng diện tích 17.856,7ha, trong đó có 835 dự án nhà ở với diện tích 6.526,8ha; 944 dự án sản xuất kinh doanh với diện tích 6.706,4ha và 859 dự án phúc lợi công cộng với diện tích 4.559,3ha. Kết quả này đã có những đóng góp kịp thời, rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách; nhiều dự án công trình công cộng đã được thực hiện và hoàn thành đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Đối với công tác tài chính về đất đai và giá đất, từ khi tiếp nhận nhiệm vụ (tháng 9/2015), Sở TN&MT đã có nhiều nỗ lực thực hiện đảm bảo thời gian, đã trình ban hành 500 hồ sơ xác định giá phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; có nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể, đã trình ban hành 320 Quyết định phê duyệt

Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Sở TN&MT đã tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có sử dụng đất... góp phần giải quyết quỹ đất cho mục tiêu phát triển của thành phố, đảm bảo đời sống của người bị thu hồi đất, giữ ổn định và công bằng xã hội.

Đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), Sở TN&MT đã triển khai và đề xuất thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ ổn định bộ máy, tổ chức, đến phân cấp, ủy quyền, ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện, từ đó góp phần đẩy mạnh hiệu quả công tác cấp GCNQSDĐ cho cá nhân, tổ chức. Đến nay, toàn thành phố thực hiện cấp lần đầu cho tổ chức là 1.516.555 GCNQSDĐ, diện tích 119.882,958ha, đạt tỷ lệ 92,47%; cấp cho cá nhân là 1.577.299 GCNQSDĐ, đạt 99,07%.

Theo Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng, trong thời gian qua, Sở đã khảo sát, đánh giá đất đai làm cơ sở xây dựng và thực thi nhiều chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đai đúng hướng đã mang lại thành quả to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đất đai ngày càng thực sự trở thành nguồn lực tài chính quan trọng của thành phố. Các khu công nghiệp được hình thành và mức độ đầu tư, sử dụng đã được phủ kín và mang lại hiệu quả kinh tế cao; nhiều khu đô thị mới hiện đại; nhiều công trình giao thông, hạ tầng trọng điểm đã được xây dựng… tạo nên diện mạo mới của một đô thị đặc biệt.

Xây dựng TP.HCM phát triển bền vững

Trong 20 năm qua, TP.HCM bước vào giai đoạn phát triển kinh tế với tốc độ cao, công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh, dân số ngày càng gia tăng… đã gây áp lực lớn cho công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đặc biệt là gia tăng, các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường, như nước thải sinh hoạt đô thị, nước thải sản xuất, chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại.

Đến nay, Sở TN&MT đã thẩm định, phê duyệt ĐTM: 1.820 hồ sơ; Xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, cấp giấy phép môi trường (từ 01/01/2022): 336 hồ sơ. Thu phí bảo vệ môi trường từ năm 2004 đến năm 2023 đạt gần 297 tỷ đồng.

Chủ động, kịp thời hành động trước những thách thức trên, Sở TN&MT đã tham mưu UBND TP.HCM triển khai nhiều nhiệm vụ, chương trình, dự án bảo vệ môi trường mang tầm nhìn dài hạn và ngắn hạn. Theo đánh giá, giai đoạn từ 2015 đến nay, công tác bảo vệ môi trường tại TP.HCM đã thực sự đi vào chiều sâu. Sở TN&MT đã tham mưu UBND thành phố chủ trì, phối hợp với các tỉnh trong khu vực triển khai thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường liên tỉnh, khu vực; kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, đặc biệt đối với các khu công nghiệp; chia sẻ cơ sở dữ liệu môi trường thông qua báo cáo quan trắc môi trường, báo cáo hiện trạng môi trường... Sản xuất sạch hơn đã và đang được phổ biến rộng rãi và khuyến khích áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, các biện pháp kinh tế, kỹ thuật bảo vệ môi trường đã được TP.HCM tập trung nghiên cứu, triển khai như: Đẩy mạnh việc thu phí nước thải công nghiệp, tập trung đối với các ngành nghề sản xuất có tải lượng ô nhiễm cao; Triển khai việc thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường; ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong xử lý ô nhiễm…

“Toàn thể công chức, viên chức, người lao động của ngành sẽ không ngừng học tập nâng cao trình độ, trau dồi trí tuệ, đạo đức, nỗ lực để chung tay, góp sức xây dựng ngành TN&MT TP.HCM trong sạch, phát triển bền vững, đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, góp phần cho sự phát triển của Thành phố, của ngành TN&MT”.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

Về công tác quản lý chất thải rắn, TP.HCM đã quy hoạch và xây dựng được 2 Khu liên hợp xử lý chất thải đảm bảo tiếp nhận an toàn và xử lý toàn bộ khối lượng chất thải rắn phát sinh tại thành phố khoảng 9.500 - 10.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày.

Đặc biệt, trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, Sở TN&MT đã tham mưu các giải pháp trong việc lưu chứa, xử lý an toàn khối lượng khổng lồ chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19, đảm bảo không phát sinh ô nhiễm, không phát tán mầm bệnh, góp phần thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố.

Bên cạnh đó, công tác quản lý tài nguyên nước, khoáng sản từng bước đi vào nền nếp, hướng tới việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, trước những thách thức và tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng đối với TP.HCM, Sở TN&MT đã có những tiên phong, nỗ lực, xây dựng, tham mưu và triển khai nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng; triển khai các quy định pháp luật về quản lý phát thải khí nhà kính.

Như vậy, có thể nói, thành tựu 20 năm của ngành TN&MT TP.HCM là rất to lớn và đáng tự hào. Song, nhu cầu, tốc độ phát triển của TP.HCM ngày càng mạnh mẽ, đã và đang đặt ra những áp lực lớn cho công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong thời gian sắp tới. 20 năm - một chặng đường tiếp nối đã qua, mở ra một chặng đường mới với không ít khó khăn, thách thức phía trước với đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 20 năm thành lập Sở TN&MT TP.HCM: Đóng góp to lớn cho thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO