Kiểm soát phát thải từ hoạt động giao thông tại TP. Hồ Chí Minh - Kỳ 1: SOS!
(TN&MT) - Chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM trong năm 2021 cho một kết quả gây “sốc”: 100% xe máy lưu hành trên 5 năm đều vượt tiêu chuẩn khí thải cho phép.
Tại TP.HCM, hoạt động giao thông đang phát thải trên 13 triệu tấn CO2/năm. Lĩnh vực này đồng thời chiếm 99% tổng phát thải, 78% lượng SO2, 75% lượng bụi mịn PM2.5… phát sinh trên địa bàn thành phố.
Nồng độ bụi mịn PM2.5 của TP.HCM cao gấp hơn 4 lần tiêu chuẩn của WHO. Cứ mỗi 10mg/m3 PM2.5 tăng lên trong không khí sẽ có thêm 56 ca ung thư phổi. Mỗi năm, có trên 1.000 người tử vong tại TP.HCM liên quan đến ô nhiễm không khí.
Được cung cấp bởi các chuyên gia, những con số cảnh báo này đặt TP.HCM trước yêu cầu giải bài toán vô cùng khó khăn từ phát thải mà thủ phạm chính được cho là phát thải giao thông.
Ô nhiễm từ phát thải trong giao thông: SOS!
Theo số liệu mới nhất của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM: Tính đến tháng 9 năm 2024, đô thị đặc biệt này đang quản lý khoảng 9,5 triệu phương tiện (trong đó, có 989.505 xe ô tô và 8.431.000 xe mô tô). So với cùng kỳ năm 2023, tổng số phương tiện đang quản lý tăng 4,77%. Chưa kể, mỗi ngày, TP.HCM có khoảng từ 1,5 triệu - 2 triệu các phương tiện của người dân từ các địa phương khác lưu hành trên địa bàn thành phố.
Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết: hiện nay TP.HCM chưa có số liệu đánh giá chính xác về chất lượng khí thải của các phương tiện giao thông do chưa tiến hành kiểm định đồng loạt. Tuy nhiên, kết quả của chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM trong năm 2021 cho một kết quả gây “sốc”: 100% xe máy lưu hành trên 5 năm đều vượt tiêu chuẩn khí thải cho phép.
Còn đối với số liệu phát thải chung của hoạt động giao thông, PGS.TS Hồ Quốc Bằng - Đại học Quốc gia TP.HCM, chuyên gia về ô nhiễm không khí thông tin: Tại TP.HCM, hoạt động giao thông đang phát thải trên 13 triệu tấn CO2/năm. Đồng thời, lĩnh vực này cũng chiếm 99% trong tổng phát thải CO, 78% lượng SO2, 75% lượng bụi mịn PM2.5…phát sinh trên địa bàn thành phố.
Cũng theo vị gia chuyên gia này, các phương tiện giao thông tại TP.HCM hiện sử dụng nhiên liệu chủ yếu là diezel (DO), đây là nguồn khí thải lớn gây ô nhiễm không khí. Trong đó, nhiều phương tiện quá cũ kỹ, hoặc không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí thải có hại ra môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen suyễn, Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng TP.HCM cảnh báo: nồng độ bụi mịn PM2.5 của TP.HCM cao gấp gần hơn 4 lần tiêu chuẩn của WHO. Các hạt bụi này thường mang tính axít, tồn tại lâu trong khí quyển, khả năng phát tán xa và đi sâu vào phổi, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Theo bà Lan, cứ mỗi 10mg/m3 PM2.5 tăng lên trong không khí sẽ có thêm 56 ca ung thư phổi. Mỗi năm, có trên 1.000 người tử vong tại TP.HCM liên quan đến ô nhiễm không khí, các bệnh lý thường gặp như nhồi máu cơ tim, bệnh lý hô hấp và ung thư phổi.
Ngoài ra, theo báo cáo từ Tổ chức CEIC về chất lượng không khí và tiếng ồn tại TP.HCM năm 2023 cho thấy, mức độ tiếng ồn tại các giao lộ chính trong thành phố thường xuyên vượt quá 80dB, mức độ này có thể gây ra căng thẳng, mất ngủ và các vấn đề sức khỏe khác.
Hành động! Để ô nhiễm không trở nên trầm trọng
Trước thực trạng đáng báo động về ô nhiễm do hoạt động giao thông gây ra, từ nhiều năm trước, TP.HCM đã đề ra và từng bước triển khai một số giải pháp. TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông, giảm 85% ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông so với năm 2021.
PGĐ Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Hòa An:
Hạ tầng kiểm định khí thải xe gắn máy mới đáp ứng 5%
Theo Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định tất cả các phương tiện mô tô, xe gắn máy bắt buộc phải được kiểm định khí thải. Hiện nay, quy định này tạm thời chưa áp dụng từ ngày Luật có hiệu lực vì phải chờ hướng dẫn của Chính phủ.
Về công tác chuẩn bị của TP.HCM: Sở Giao thông vận tải đã làm việc với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) để tham mưu chính sách cho Chính phủ và các bộ, ngành trong việc xây dựng Nghị định, thông tư hướng dẫn nội dung này. Theo thống nhất ban đầu, tất cả các đại lý bán xe mô tô, xe gắn máy sẽ đồng thời là các trung tâm kiểm định khí thải. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố có 384 đại lý, chỉ đáp ứng được khoảng 5% nhu cầu.
Cho nên, TP.HCM nói riêng và các địa phương khác bắt buộc phải xã hội hóa việc xây dựng các trung tâm kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Vì vậy, hành lang pháp lý, các quy định liên quan đến việc xây dựng, vận hành... các trung tâm kiểm định khí thải cần phải sớm được hoàn thiện.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Hòa An, để đạt được mục tiêu trên, TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp như: giảm tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe gắn máy, tăng tỷ lệ sử dung phương tiện công cộng như metro, xe buýt, khuyến khích sử dụng xe đạp. Đồng thời, TP.HCM sẽ từng bước thay thế nhiên liệu DO sang khí thiên nhiên nén (CNG), khuyến khích sử dụng xe điện.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát các phương tiện giao thông cá nhân của đô thị lớn nhất nước chưa đạt như mong muốn, vì số lượng phương tiện này vẫn tăng trung bình 4 - 5%/năm. Còn đối với việc thay thế nhiên liệu DO sang khí CNG vẫn còn khá hạn chế, mới chỉ áp dụng đối với xe buýt. Tính đến tháng 9/2024, trên địa bàn thành phố có 516 xe buýt CNG hoạt động trên 18 tuyến buýt. Riêng đối xe buýt điện, đến nay, TP.HCM mới có 13 xe hoạt động trên 1 tuyến.
Trước thực trạng này, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Giao thông Vận tải đang triển khai xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP.HCM. Trong tháng 9, đã hoàn thiện xong Chuyên đề giai đoạn 1 về Chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện năng lượng xanh. Theo Đề án, TP.HCM đặt mục tiêu chuyển đổi 100% phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện năng lượng xanh vào năm 2030.
Theo ông Bùi Hòa An, đây là việc làm cụ thể để triển khai Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Đồng thời, đây cũng là bước triển khai, vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo đó, Nghị quyết 98 cho phép HĐND TP.HCM ban hành các chính sách chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh, gắn với phát triển giao thông công cộng.
Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh và đầu tư xây dựng hạ tầng trạm sạc điện trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 34.000 đồng, trung bình 5.667 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng kinh phí hỗ trợ lãi vay là 2.094,7 tỷ đồng.
Trong Dự thảo Đề án, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM nhấn mạnh: Nếu không kịp thời có kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ thì đến năm 2030, vấn nạn ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông sẽ trở nên trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân và gây thiệt hại kinh tế cho thành phố.
Dự kiến, trong kỳ họp cuối năm 2024, HĐND TP.HCM sẽ xem xét cho ý kiến về Đề án quan trọng này.