Kon Tum: Người dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng

Quế Mai| 14/09/2021 09:27

(TN&MT) - Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và những lợi ích của nó, bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, làng của tỉnh Kon Tum đã chung sức, đồng lòng cùng tham gia giữ rừng để vừa phát triển sinh kế, vừa bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Được Nhà nước giao đất, giao rừng từ những ngày đầu tiên chính sách chi trả DVMTR được triển khai thực hiện tại tỉnh Kon Tum, đến nay, 56 hộ dân người dân tộc thiểu số tại xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) đã xem rừng là nhà, là nơi che chắn, bảo vệ dân làng và là nơi mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con phát triển sinh kế, cải thiện đời sống.

Anh A HNgang (làng Kon Ktuh, xã Đăk Ruồng) cho biết, gia đình anh được giao bảo vệ 30ha rừng. Định kỳ hàng tuần, hai vợ chồng anh sẽ cùng nhau đi tuần tra rừng. “Ban đầu còn bỡ ngỡ, lo lắng không biết có bảo vệ được rừng không, nhưng bây giờ quen rồi. Bà con ở đây cũng không ai chặt phá rừng nữa, việc tuần tra rừng cũng đơn giản hơn”, anh HNgang nói.

Người dân xã Ya Tăng tham gia tìm hiểu về chính sách chi trả DVMTR

Đối với anh HNgang, tuần tra rừng không chỉ để bảo vệ rừng, mà từ kết quả đó, gia đình anh được nhận tiền chi trả DVMTR. “Mỗi năm, tôi nhận được trên 20 triệu đồng từ tiền chi trả DVMTR. Qua các buổi tuyên truyền và hướng dẫn của cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, tôi đã dùng nguồn tiền này đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn, tôi mua sắm được nhiều đồ dùng và vừa xây được nhà mới vào năm ngoái”, anh HNgang bộc bạch.

Ngoài các hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, giao rừng, xã Đăk Ruồng còn tiến hành khoán rừng cho 4 cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn quản lý, bảo vệ với tổng diện tích 400ha. Nhờ vậy, năm 2021, diện tích rừng trên địa bàn xã Đăk Ruồng đã tăng thêm 100 ha so với năm 2019.

Ông Đinh Ngọc Hải - Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho hay: “Những năm gần đây, vấn đề xâm hại đến diện tích rừng được quản lý chặt chẽ. Ý thức của người dân được nâng cao nhờ chính sách chi trả DVMTR. Lợi ích của rừng mang lại đã khiến người dân xem rừng như tài sản của mình để bảo vệ. Trung bình mỗi hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng nhận được trên dưới 20 triệu đồng/năm. Từ nguồn tiền DVMTR đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế, cuộc sống ngày càng ổn định hơn”.

Tương tự, xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) có 98% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, đời sống cũng như bộ mặt nông thôn xã Ya Tăng còn nhiều khó khăn. Tham gia làm nghề rừng và hưởng chính sách chi trả DVMTR là một nguồn lực ổn định, góp phần không nhỏ giúp người dân nơi đây có cuộc sống khởi sắc hơn.

Nhờ tham gia quản lý, bảo vệ rừng, gia đình anh Dép ở làng Trắp (xã Ya Tăng) từ một hộ cận nghèo nhiều năm, đến nay đã thoát nghèo và có kinh tế khá hơn nhiều so với các hộ dân khác trong xã. Anh Dép chia sẻ: “Gia đình tôi được Nhà nước giao đất giao rừng 29ha đất lâm nghiệp và rừng, trong đó có 9,6ha rừng được hưởng chính sách chi trả DVMTR. Tuy vậy, nguồn tiền DVMTR nhận về đã giúp tôi có nguồn tiền ổn định để đầu tư nuôi bò, nuôi dê và từ đó nâng cao thu nhập”.

Theo bà Y Phin - Chủ tịch UBND xã Ya Tăng, năm 2020, diện tích rừng do UBND xã Ya Tăng quản lý đã tăng thêm gần 100 ha so với năm 2019. Đây đều là diện tích rừng được tái sinh nhờ công tác quản lý, bảo vệ của người dân trên địa bàn xã. Dự kiến, trong những năm tiếp theo, một số diện tích rừng đang khoanh nuôi, phát triển tốt cũng sẽ được quy hoạch thành rừng và được chi trả tiền DVMTR.

“Tham gia bảo vệ rừng và hưởng chính sách chi trả DVMTR giúp bà con nâng cao nhận thức và có trách nhiệm trong bảo vệ rừng. Nó còn có ý nghĩa lớn đối với cuộc sống của bà con. Từ chính sách này, mỗi hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng nhận được 8 - 16 triệu đồng/năm. Khi cuộc sống ổn định, bà con sẽ quan tâm chăm sóc và không xâm hại đến rừng nữa. Có như vậy, rừng sẽ ngày càng được bảo vệ tốt và phát triển bền vững hơn”, bà Y Phin khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Người dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO