Thiệt hại hàng chục tỉ đồng
Khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum đang bước vào giữa mùa mưa. Lượng mưa lớn, kéo dài liên tục những ngày qua nên tại một số địa phương của tỉnh đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập cục bộ… Theo Đài Khí tượng Thủy văn Kon Tum, mùa mưa năm 2018 có lượng mưa cao hơn nhiều so với các năm trước. Tính riêng tháng 7, lượng mưa trung bình toàn tỉnh đạt 400 - 500mm, trong khi đó lượng mưa trung bình tháng 7 của các năm trước chỉ vào khoảng 250 - 350mm.
Từ đầu tháng 7 đến nay, trên các sông, suối xuất hiện từ 03 trận lũ nhỏ và trung bình, mực nước đỉnh lũ trên các sông đạt xấp xỉ và cao hơn mức báo động I. Sông Pô Kô có xuất hiện lũ lớn, mực nước đỉnh lũ cao hơn mức báo động III là 0,22m.
Đầu tháng 8/2018, do mưa lớn, địa bàn huyện Ia H’Drai đã có 13 nhà bị ngập, 01 nhà bị nước cuốn trôi. Nhiều tuyến đường, khu vực cầu bị nước dâng làm ngập, chia cắt giữa các thôn với nhau. Một số tuyến đường, rẫy vườn của người dân bị sạt lở đất với khối lượng khoảng 500m3 đất, đá làm cô lập 10 thôn của huyện, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, tài sản, hoa màu và việc đi lại của người dân trên địa bàn.
Vào cuối tháng 7/2018, sạt lở đất xảy ra tại làng Iệc, huyện Ngọc Hồi đã cuốn theo gần 02ha cà phê, hồ tiêu của người dân. Các tuyến đường liên thôn, đường tuần tra biên giới bị sạt lở, không thể đi lại được. Sạt lở đất đã làm hư hỏng 02 công trình thủy lợi tại xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi). Cùng thời gian trên, mưa lớn và sạt lở đất làm hàng ngàn m3 đất đá tại tuyến đường tránh đèo Măng Rơi (huyện Tu Mơ Rông) đổ xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông trên tuyến đường này nhiều ngày liên tục.
Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Kon Tum cho biết, từ đầu mùa mưa 2018 đến nay, mưa lũ, gió lốc, giông sét, sạt lở đã làm 02 người chết; 311 nhà bị ảnh hưởng tốc mái, hư hỏng; nhiều điểm trường học, nhà văn hóa bị tốc mái; hàng trăm ha cây trồng bị hư hại, ngập lụt, bồi lấp… Giá trị thiệt hại do mưa lũ, gió lốc, giông sét, sạt lở đất tại Kon Tum ước tính khoảng hơn 57 tỉ đồng.
Chủ động ứng phó, giảm nhẹ tác hại của thiên tai
Sau ngập úng tại huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cơ quan của tỉnh tập trung lực lượng khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra; tổ chức lực lượng hỗ trợ người dân di chuyển tài sản lên khu vực an toàn và dọn dẹp vệ sinh môi trường các vị trí bị ngập; huy động nguồn lực tại chỗ để giúp đỡ các hộ bị thiệt hại ổn định cuộc sống.
Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum, trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục có mưa vừa đến mưa rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông, suối nhỏ vùng núi và ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp. Đặc biệt là tại các huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông, Sa Thầy và Ia H’Drai.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Kon Tum đã có công văn hỏa tốc gửi các sở, ngành liên quan của tỉnh yêu cầu triển khai thực hiện các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại do mữa lũ, lũ quét, sạt lở đất. Công văn yêu cầu các huyện có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cao phải thường xuyên theo dõi diễn biến của mưa lũ; tổ chức kiểm tra, cắm biển cảnh báo khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất để chủ động di dời đảm bảo an toàn hoặc sẵn sàng phương án sơ tán khi xảy ra mưa lũ lớn.
Chủ động bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông qua bến đò, đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy siết khi mưa lũ… Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tổ chức trực 24/24 giờ để theo dõi diễn biến mưa lũ, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Minh – Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum đưa ra khuyến cao đối với người dân trong tình hình mưa lũ: “Người dân sống tại khu vực triền núi, nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất nên chủ động di dời nơi ở và tài sản đến nơi an toàn. Khi có mưa lớn, người dân không nên ra ngoài, đặc biệt không nên đi qua khu vực có nước chảy siết; để ý những biển cảnh báo nguy hiểm để chủ động phòng ngừa tai nạn xấu xảy ra”.