Kinh tế TP.HCM: Phục hồi ấn tượng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

TS. Trần Du Lịch| 15/01/2023 17:25

(TN&MT) - 7,5 - 8% là con số kỳ vọng tăng GRDP của TP. Hồ Chí Minh vào năm 2023 nếu bài toán về tháo gỡ điểm nghẽn, hấp thụ nhanh các nguồn vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm hạ tầng đô thị; tạo bước đột phá trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế tri thức gắn với khai thác tiềm lực khoa học - công nghệ… được thành phố giải quyết dứt điểm.

2022 - năm của những phục hồi ấn tượng…

Vào thời điểm tháng 9/2021, mặc dù diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, nhưng TP. Hồ Chí Minh với truyền thống năng động, sáng tạo đã tiến hành xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đánh dấu cột mốc chuyển đổi có tính chiến lược từ "Zero Covid-19" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025" với mục tiêu không chỉ phục hồi kinh tế về nguyên trạng, mà còn thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa - dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

18-3-.jpg

Cho đến cuối năm 2022, kết quả dự ước GRDP Thành phố có thể tăng 9,44% so với năm 2021, vượt mục tiêu 6,5 - 7% so với kế hoạch. Hầu hết các lĩnh vực và các ngành kinh tế đều phục hồi rất ấn tượng: chỉ số phát triển công nghiệp tăng 17,3%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng gần 20%; ngành du lịch tăng hơn 170%; xuất khẩu tăng hơn 10%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5,8%; thu hút vốn FDI tăng 25,3%... Thu ngân sách Nhà nước dự ước cả năm vượt dự toán khoảng 14%; an sinh - xã hội được bảo đảm; hầu hết lao động đã quay lại làm việc; đời sống kinh tế - xã hội trở lại bình thường như trước đại dịch.

…nhưng vẫn còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, từ quý 4/2022, cũng như kinh tế của cả nước, kinh tế trên địa bàn Thành phố chịu tác động bất lợi từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước: Kinh tế thế giới với tình hình lạm phát, tăng giá của đồng USD, tăng lãi suất chung trên thị trường và tình trạng trì trệ của các nền kinh tế lớn;... Trong nước, việc thiết lập kỷ cương trên thị trường tài chính và thị trường bất động sản của Chính phủ (tuy rất cần thiết và có lợi về trung - dài hạn) khiến “đứt quãng” dòng vốn đang lưu chuyển trên thị trường và tâm lý “chờ đợi” của nhà đầu tư. Ngân hàng Nhà nước với mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá nên phải tăng lãi suất và kiểm soát dòng tín dụng. Hệ quả đầu tư sẽ giảm, chi phí tài chính trong dự án đầu tư tăng... Các ngành công nghiệp như da giày, dệt may, gỗ gia dụng… đều giảm đơn đặt hàng cho năm 2023; nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, giảm lao động, giảm giờ làm việc… Ngành xây dựng vẫn trì trệ do các dự án bất động sản “bị nghẽn” và đầu tư công triển khai chậm… Bên cạnh đó, những điểm nghẽn trong hấp thụ vốn chưa cải thiện đáng kể. Thực trạng chỉ ra 2 khó khăn lớn mà TP. Hồ Chí Minh đang phải đối diện: Tốc độ tăng trưởng công nghiệp đang có xu hướng giảm dần, nhiều xí nghiệp thu hẹp sản xuất, giảm lao động do thiếu đơn hàng; Thị trường tài chính và thị trường bất động sản bất ổn và đang có xu hướng trì trệ.

18-1-.jpg

Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, vấn đề chất lượng tăng trưởng kinh tế được đặt ra từ lâu nhưng chưa có sự chuyển biến mang tính đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong nội bộ các khu vực kinh tế còn rất chậm. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thiết lập liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… chưa tương xứng với vai trò của Thành phố và chưa đạt được mục tiêu tăng chất lượng tăng trưởng và tạo sự lan tỏa đối với vùng Đông - Nam Bộ và khu vực phía Nam.

Hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngày càng bất cập so với quy mô kinh tế và cải thiện dân sinh. Thành phố đang còn quá nhiều vấn đề tồn đọng trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm nhưng không giải quyết đứt điểm, dẫn đến khó khăn càng chồng chất khó khăn. Hạ tầng giao thông ngày càng quá tải nghiêm trọng. Tình trạng quy hoạch treo, các dự án lớn về hạ tầng không thiếu vốn nhưng triển khai chậm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chung.

Về mặt an sinh xã hội, các chương trình như xử lý nhà trên và ven kênh rạch, xử lý chung cư cũ xuống cấp, nhà ở cho người lao động... đều triển khai quá chậm so với mục tiêu đề ra. Vấn đề chống kẹt xe, chống ngập trong 20 năm qua luôn luôn nằm trong những chương trình đột phá, chương trình trọng điểm của Thành phố. Tuy nhiên, tình hình không cải thiện được nhiều, thậm chí có nơi còn nghiêm trọng hơn.

Việc hỗ trợ của chính quyền trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp vẫn chưa tạo chuyển biến đáng kể. Vì chuyển đổi số là động lực dựa trên 3 trụ cột: chính quyền số - kinh tế số - xã hội số, nhằm tạo ra giá trị gia tăng mới từ số hóa và tạo ra môi trường số an toàn, lợi ích phục vụ cao nhất nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt dân cư, nhưng, việc triển khai đang không đồng bộ và thiếu cơ chế hỗ trợ.

Đối với điểm nghẽn về thủ tục hành chính hạn chế hấp thụ vốn đầu tư: Trong cải cách hành chính, Thành phố đã từng đi đầu trong việc ứng dụng “cơ chế một cửa”; chính quyền điện tử… nhưng đến nay, Thành phố vẫn còn chậm so với nhiều địa phương, nhất là dịch vụ hành chính công trực tuyến. Chỉ số cạnh tranh địa phương (PCI) vẫn ở mức 14 - 15/63 tỉnh, thành và hầu như không tiến triển trong các năm qua. Quá nhiều công trình dự án bị “nghẽn” nhiều năm vì thủ tục hành chính khiến nền kinh tế không hấp thụ được vốn đầu tư cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân. Trách nhiệm công vụ của bộ máy hành chính các cấp còn nhiều vấn đề yếu kém phải được khắc phục.

Và dồi dào dư địa cho kỳ vọng phát triển

Chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2025 được thiết kế mục tiêu và giải pháp cho 2 giai đoạn rất rõ ràng: Vừa hỗ trợ phục hồi trong ngắn hạn, vừa tạo nền tảng để phát triển bền vững trong dài hạn.

18-2-.jpg

Giai đoạn 1: Giai đoạn phục hồi (từ tháng 11/2021 đến hết năm 2022), khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp những doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Giai đoạn 2: Giai đoạn tăng tốc tăng trưởng GRDP (từ năm 2023 đến năm 2025), tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của Thành phố: Trung tâm Kinh tế, Tài chính; Trung tâm thương mại - mua sắm; Trung tâm Dịch vụ Logistics; Trung tâm Du lịch; Trung tâm Đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ; Trung tâm Dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục; Trung tâm Văn hóa của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Với tình hình chung hiện nay, trong năm 2023, chỉ có thể đặt mục tiêu ngăn chặn nguy cơ suy giảm tăng trưởng, chứ khó có thể tăng tốc như Chương trình phục hồi kinh tế đã đề ra. Tuy nhiên, dù có những khó khăn khách quan trước mắt, nhưng Thành phố vẫn còn nhiều dư địa để khai thác phát triển. Để ngăn chặn nguy cơ suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, Thành phố cần vượt qua 2 vấn đề trước mắt: Thứ nhất, gỡ điểm nghẽn về thể chế để hấp thụ được vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; Thứ hai, chính quyền phải thực sự đồng hành cùng những khó khăn của doanh nghiệp để củng cố niềm tin của thị trường.

Xin thí điểm cơ chế chính sách tạo động lực phát triển Thành phố.

Trong năm 2022, Thành phố tập trung tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thành phố để qua đó kiến nghị Trung ương ban hành thí điểm chính sách, tạo động lực phát triển Thành phố trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần: Những vấn đề gì thực tiễn đặt ra nhưng luật pháp chưa quy định hoặc quy định không phù hợp thì cho Thành phố thực hiện thí điểm. Trong đó có nội dung mở rộng việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thành phố so với các quy định hiện hành trong các lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị; tài nguyên, môi trường; quản lý văn hóa, xã hội; tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý Nhà nước trên địa bàn của chính quyền Thành phố; thí điểm thực hiện chính sách thu thuế bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên của người dân (trừ bất động sản duy nhất) nhằm hạn chế đầu cơ nhà, đất, nền đất bỏ hoang trong các dự án dân cư và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương; cơ chế đặc thù để thu hút nguồn lực và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh… với kỳ vọng tạo ra hệ thống cơ chế, chính sách mang tính động lực phát huy các lợi thế của Thành phố, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

"Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025" với mục tiêu không chỉ phục hồi kinh tế về nguyên trạng, mà còn thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa - dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Năm 2023, tuy gặp một số khó khăn trước mắt, nhưng với đà phục hồi kinh tế trong năm 2022, để khai thác những dư địa phát triển, kinh tế trên địa bàn Thành phố năm 2023 có thể tăng GRDP khoảng 7,5% - 8%, nếu Thành phố tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để hấp thụ nhanh các nguồn vốn đầu tư thông qua việc nâng cao trách nhiệm công vụ của bộ máy hành chính các cấp; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm hạ tầng đô thị; tạo bước chuyển biến mang tính đột phá về chương trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế tri thức gắn với việc khai thác tiềm lực khoa họa - công nghệ, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo đà tăng trưởng cao hơn trong 2 năm 2024 - 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế TP.HCM: Phục hồi ấn tượng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO