Kiểm soát chất thải rắn nguy hại tại tỉnh Đắk Nông

07/11/2018 16:39

(TN&MT) – Tôi là người dân sinh ra và lớn lên tại tỉnh Đắk Nông. Hiện, tôi thấy vấn đề thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn còn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt là chất thải nguy hại. Tôi được biết, tỉnh tôi đã có kế hoạch triển khai thực hiện công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn nhằm quản lý chất thải đến năm 2025. Xin hỏi, với kế hoạch này, tỉnh tôi sẽ làm gì để xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn? Vai trò của chính quyền địa phương ra sao?

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Nội dung bạn hỏi đã được quy định tại Quyết định số  1593/QĐ-UBND tỉnh Đắk Nông về Kế hoạch triển khai thực hiện công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, nhiệm vụ tỉnh Đắk Nông đề ra đối với việc xử lý chất thải rắn nguy hại trên địa bàn gồm:

- Chất thải rắn nguy hại được quản lý và kiểm soát chặt chẽ từ nguồn thải đến thu gom, vận chuyển và xử lý cuối cùng. Đa dạng hóa công nghệ xử lý chất thải rắn nguy hại bằng các công nghệ tiên tiến, hiện đại;

- Khuyến khích xây dựng, phát triển các cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung, quy mô liên tỉnh, liên huyện theo quy hoạch quản lý chất thải rắn được phê duyệt, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; hạn chế phát triển và giảm dần về số lượng những cơ sở xử lý có quy mô nhỏ, phân tán có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;

- Khuyến khích xây dựng các cơ sở xử lý, tái chế chuyên sâu đối với các loại chất thải nguy hại đặc thù đồng thời với việc phát triển các cơ sở xử lý có khả năng tái chế, xử lý đa dạng các loại chất thải nguy hại khác nhau; tăng cường việc chuyển giao chất thải giữa các cơ sở xử lý chất thải để tận dụng thế mạnh của mỗi cơ sở trong quá trình xử lý;

- Hạn chế và tiến tới loại bỏ việc tự xử lý chất thải nguy hại tại nơi phát sinh có sử dụng công nghệ đốt hoặc chôn lấp;

- Ưu tiên hoạt động đồng xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật nhằm hạn chế tối đa việc thiêu hủy chất thải trong lò đốt chất thải chuyên dụng;

- Tăng cường việc tái chế, tái sử dụng chất thải nguy hại; hạn chế việc cấp phép xử lý bằng biện pháp chôn lấp, hóa rắn đối với các loại chất thải nguy hại có khả năng tái chế, tái sử dụng;

- Khuyến khích các cá nhân tổ chức tham gia triển khai kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu trữ, trung chuyển chất thải nguy hại (<600 kg) trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường việc thu gom, xử lý đối với chất thải nguy hại phát sinh từ các chủ nguồn thải cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có khối lượng phát sinh thấp hoặc chủ nguồn thải chất thải nguy hại ở vùng sâu, vùng xa bảo đảm phù hợp với điều kiện của địa phương theo Quyết định số 1464/QĐ-UBND ngày 08/9/2017 của UBND tỉnh;

- Khuyến khích xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm, mô hình tập trung, hạn chế việc xử lý chất thải y tế phân tán tại các bệnh viện, cơ sở y tế; ưu tiên xử lý chất thải y tế lây nhiễm bằng phương pháp không đốt, đặc biệt là việc tự xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại nơi phát sinh; giảm dần về số lượng và hạn chế đầu tư mới lò đốt chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế cấp huyện theo Quyết định số 1463/QĐ-UBND ngày 08/9/2017 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh.

chat thai nguy hai 1
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Trong đó, UBND các huyện, thị xã có nhiệm vụ: Xây dựng các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ và ban hành kế hoạch triển khai để thực hiện các mục tiêu điều chỉnh chiến lược quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương đến năm 2025 và tầm nhìn 2050.

Tổ chức rà soát, góp ý để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn, nội dung quy hoạch quản lý chất thải rắn trong quy hoạch đô thị trên địa bàn phù hợp với điều chỉnh Chiến lược; xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển cơ sở xử lý, tái chế chất thải rắn theo quy hoạch được phê duyệt; Đối với địa bàn thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp, huyện Đắk Mil, Cư Jút cần nghiên cứu bổ sung quy hoạch các khu vực, địa điểm xây dựng dự án cụm các công trình xử lý, tái chế tập trung để thuận lợi huy động nguồn lực đầu tư và công tác quản lý, yêu cầu thực hiện trước năm 2020.

Đồng thời, chủ động tìm kiếm, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương; xây dựng, điều chỉnh bổ sung và ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phù hợp theo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, tiến tới việc các nhà đầu tư tự cân đối được thu chi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hàng năm; tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý chất thải rắn khu dân cư nông thôn tập trung.

Ngoài ra, UBND huyện, xã sẽ chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn quản lý phù hợp với điều kiện của địa phương; định kỳ hàng năm thực hiện điều tra, tổng hợp đánh giá tình hình phát sinh, xử lý và tăng cường công tác quản lý để yêu cầu hướng dẫn tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, các loại chất thải nguy hại, chất thải lây nhiễm tại các cơ sở y tế, hóa chất bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải bỏ theo quy định. Báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/12 hàng năm để theo dõi, tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chất thải rắn nguy hại tại tỉnh Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO