Khung pháp lý mới quản lý hiệu quả tài nguyên nước
(TN&MT) - Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý khai thác và bảo vệ TNN trong Luật Tài nguyên nước, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN và đang trình chờ Chính phủ phê duyệt. Dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn để tháo gỡ điểm nghẽn và giải quyết những vấn đề bất cập trong quản lý TNN, bảo đảm tổng thể, toàn diện và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Tăng tính nghiêm minh và khả thi của pháp luật tài nguyên nước
Theo ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, một trong những lý do chính để thúc đẩy việc xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN là sự bất cập trong cách thức xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến TNN. Mặc dù đã có Nghị định 36/2020/NĐ-CP về xử lý vi phạm trong lĩnh vực TNN, nhưng sau hơn 10 năm thi hành, nhiều quy định đã lạc hậu. Điều này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc xử lý vi phạm mà còn làm giảm hiệu quả của các biện pháp bảo vệ TNN.
Chỉ ra những bất cập trong thực hiện Nghị định 36/2020/NĐ-CP, ông Nguyễn Minh Khuyến cho rằng, Nghị định 36 chưa quy định rõ việc xác định số lợi bất hợp pháp do tổ chức, cá nhân nào có đủ chức năng, thẩm quyền, trình độ chuyên môn đảm bảo việc thực hiện, dẫn tới việc công chức thi hành công vụ về TNN (thuộc phòng chuyên môn, có chuyên ngành đào tạo được tuyển dụng liên quan lĩnh vực môi trường, TNN) khi phát hiện vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính lại là người tham mưu, xác định số lợi bất hợp pháp.
Hiện nay, việc xác định số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm hành chính về TNN theo nội dung hướng dẫn tại điểm r khoản 3 Điều 4 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP đòi hỏi phải có kiến thức chuyên ngành về tài chính - kế toán, có khả năng đọc hiểu sổ sách chứng từ kế toán, có thẩm quyền yêu cầu cung cấp các hồ sơ tài liệu sổ sách tài chính liên quan để rà soát đối chiếu xác định số tiền mà tổ chức, cá nhân thu được khi thực hiện hành vi vi phạm, cũng như các chi phí trực tiếp để khai thác, sử dụng TNN.
Mặt khác, khi chưa thiết lập biên bản vi phạm hành chính, chưa xác định hành vi vi phạm hành chính thì chưa có đủ căn cứ để yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm phối hợp cung cấp các hồ sơ tài liệu liên quan, căn cứ xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực TNN.
Ngoài ra, hiện tình hình khai thác, sử dụng TNN ngày càng diễn biến phức tạp, có nhiều sự tác động bởi các yếu tố như biến đổi khí hậu, nhu cầu tăng cao, sức ép từ các nguồn nước từ nước ngoài... dẫn đến cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn; cần phải chủ động trong công tác xây dựng các quy định pháp luật, đặc biệt đối với các vấn đề mang tính cấp thiết như bảo vệ TNN, hạn chế khai thác nước dưới đất, phòng chống suy thoái, cạn kiệt.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Minh Khuyến, việc ban hành kịp thời, đồng bộ và đầy đủ các văn bản thực hiện Luật Tài nguyên nước 2023, trong đó có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật TNN. Các vi phạm hành chính liên quan đến việc khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN sẽ được điều chỉnh kịp thời hơn, tăng cường tính nghiêm minh và khả thi của pháp luật.
Nhiều điểm mới được quy định trong Dự thảo Nghị định
Chia sẻ về quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết, Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN đã được Bộ TN&MT xây dựng với sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan, nhằm đảm bảo tính toàn diện và khả thi của nghị định khi được áp dụng. Dự thảo Nghị định gồm 4 chương và 48 điều.
Dự thảo quy định cụ thể hành vi vi phạm trong 6 lĩnh vực chính, bao gồm điều tra cơ bản, bảo vệ và phục hồi nguồn nước, điều hòa phân phối TNN, vận hành hồ chứa trên lưu vực sông, khai thác và sử dụng TNN, phòng chống và khắc phục tác hại do nước gây ra, và các vi phạm khác.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, dự thảo Nghị định quy định rõ phạm vi điều chỉnh bao gồm tất cả các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến TNN trên lãnh thổ Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đều phải tuân thủ các quy định này khi hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN.
So với Nghị định cũ, Dự thảo Nghị định lần này đã mở rộng đối tượng xử phạt, không chỉ bao gồm các tổ chức kinh tế lớn mà còn bao gồm các hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư. Điều này thể hiện sự toàn diện và bao trùm của nghị định, nhằm đảm bảo không có hành vi vi phạm nào bị bỏ sót, từ các doanh nghiệp khai thác nước ngầm đến các hoạt động khai thác nước nhỏ lẻ phục vụ sinh hoạt.
Mức xử phạt hành chính được điều chỉnh tăng lên so với quy định hiện hành. Một số hành vi vi phạm nặng như khai thác nước ngầm mà không có giấy phép, sử dụng sai mục đích nguồn nước sẽ bị xử phạt với mức tiền lớn hơn, đồng thời phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Dự thảo cũng quy định rõ các biện pháp xử lý bổ sung như đình chỉ hoạt động, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của môi trường nước bị vi phạm.
Đặc biệt, vấn đề xác định số lợi bất hợp pháp thu được từ việc khai thác TNN trái phép là một trong những điểm mới quan trọng. Thay vì chỉ xử phạt bằng tiền mặt, Dự thảo Nghị định yêu cầu truy thu toàn bộ lợi ích mà tổ chức, cá nhân vi phạm thu được, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Đây là biện pháp răn đe mạnh mẽ, góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm ngày càng phức tạp trong lĩnh vực TNN.
Về thẩm quyền xử phạt, Dự thảo Nghị định phân định rõ thẩm quyền xử phạt của các cơ quan Nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương, đảm bảo tính minh bạch và thống nhất trong quá trình thực thi. Thẩm quyền xử phạt không chỉ thuộc về các cơ quan quản lý môi trường mà còn được mở rộng đến các cơ quan khác như Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan thanh tra liên ngành.
Một điểm mới nữa của Dự thảo Nghị định là việc mở rộng thẩm quyền xử phạt cho các cơ quan chức năng ở cấp địa phương, giúp tăng cường hiệu quả giám sát và xử lý vi phạm. Điều này giúp giảm tải cho các cơ quan trung ương và tăng cường tính linh hoạt, kịp thời trong xử lý vi phạm hành chính.
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN là bước tiến quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này. Với sự toàn diện về phạm vi, đối tượng và biện pháp xử phạt, nghị định không chỉ là công cụ pháp lý mạnh mẽ mà còn thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ TNN trước các thách thức ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu và khai thác tài nguyên trái phép.
Nguyễn Thủy
Nâng cao hiệu quả - từ góc nhìn địa phương
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM:
Cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TNN của TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo đó, giúp cho TNN được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt, ý thức của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong chấp hành các quy định về TNN ngày càng được nâng lên. Hàng năm, TP.HCM đều có kế hoạch kiểm tra, thanh tra khoảng 200 đơn vị có hoạt động trong lĩnh vực TNN.
Trong thời gian qua, TP.HCM đã xử lý khoảng 120 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt trên 14 tỷ đồng liên quan đến các hành vi: khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép; khai thác TNN vượt lưu lượng cho phép; hay xả thải vượt lưu lượng, quy chuẩn giấy phép được cấp; không đóng tiền cấp quyền khai thác TNN. Qua kiểm tra, TP.HCM không có phát sinh việc giải quyết tranh chấp về TNN trên địa bàn thành phố.
Triển khai Luật Tài nguyên nước 2023, Sở TN&MT TP.HCM đã khẩn trương, kịp thời tham mưu cho UBND thành phố ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Phê duyệt Danh mục, bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất; danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực TNN; ủy quyền cho Sở TN&MT TP.HCM thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn lĩnh vực TNN… trên địa bàn.
Sở TN&MT cũng đã có văn bản gửi đến các tổ chức, cá nhân đang được cấp phép khai thác, sử dụng TNN trên địa bàn thành phố để tuyên truyền, hướng dẫn một số quy định mới trong lĩnh vực TNN. Sở TN&MT còn tích cực tham gia ý kiến cho Bộ TN&MT, Chính phủ trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước, trong đó, có Dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực TNN.
Theo tôi, Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực TNN khi được ban hành sẽ bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho các cơ quan quản lý và lực lượng thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, sử dụng TNN, từ đó, nâng cao ý thức tuân theo pháp luật của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TNN.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La:
Đề nghị bổ sung, làm rõ 7 nội dung
Những năm qua, triển khai Nghị định 36/2020/NĐ-CP và Nghị định 04/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm lĩnh vực TNN, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TNN; cùng nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện xử lý vi phạm hành chính nói chung, xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực TNN nói riêng.
Kết quả, toàn tỉnh đã tổ chức 87 cuộc thanh, kiểm tra lĩnh vực TNN với 88 đối tượng; phát hiện 49 hành vi vi phạm, tổng tiền xử phạt hơn 2,5 tỷ đồng. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục gồm trám lấp giếng; nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Qua đó, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu các vi phạm pháp luật về TNN. Nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong chấp hành pháp luật về quản lý, khai thác nguồn nước có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Sơn La còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xử phạt vi phạm về TNN. Hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN. Chúng tôi kỳ vọng rằng, sẽ góp phần khắc phục các tồn tại, hạn chế trên thực tiễn thời gian qua, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TNN.
Qua nghiên cứu các nội dung Dự thảo, tỉnh Sơn La đã đề xuất 7 nội dung góp ý. Theo đó, điểm a khoản 5 Điều 4 dự thảo Nghị định, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ chi phí hợp lệ khác để khai thác, sử dụng TNN và có được doanh thu từ TNN là những chi phí nào, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tránh hiểu đa nghĩa. Dự thảo cũng chưa làm rõ tổ chức, cá nhân vi phạm phải kê khai nội dung gì, đề nghị tách nội dung này thành 1 điểm độc lập và làm rõ thêm.
Tại điểm e khoản 5 Điều 4 Dự thảo, đề nghị bổ sung căn cứ để xác định số tiền cho thuê giấy phép, số tiền thu được khi thực hiện hoạt động hành nghề khoan bằng giấy phép mượn, thuê, do tổ chức, cá nhân kê khai và chịu trách nhiệm. Đề nghị lược bỏ khoản 2 Điều 8 dự thảo Nghị định, do tình tiết tăng nặng đã quy định rõ tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tại điểm b khoản 1 Điều 36 Dự thảo Nghị định, hiện nay, chưa có quy định cụ thể về thời hạn cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TNN, Sơn La cũng đề nghị bổ sung nội dung này…
Ông Lê Sỹ Nghiêm - Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa:
Cương quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm nguồn nước
Ngay sau khi Luật Tài nguyên nước 2023 được Quốc hội thông qua, cùng với triển khai quy hoạch TNN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Tài nguyên nước theo Quyết định số 3049/QĐ-UBND ngày 22/7/2024 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước 2023 trên địa bàn tỉnh và các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động số 166/KH-UBND ngày 16/6/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh, thẩm định cấp Giấy phép tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân với tổng số 334 giấy phép. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các đơn vị đang có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và Hồ sơ đề nghị cấp phép của các tổ chức cá nhân. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, đã thực hiện thanh, kiểm tra 355 cuộc; Số tổ chức, cá nhân được thanh, kiểm tra là 537; đã phát hiện 41 trường hợp có hành vi vi phạm hành chính; số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1.838.000.000 đồng; số lợi bất hợp pháp đã thu hồi là 600.130.00 đồng.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước và ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành quy định của pháp luật về tài nguyên nước đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện xử lý những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ông Cao Phúc Đồng - Trưởng phòng Biển, Đảo và Tài nguyên nước (Sở TN&MT Quảng Bình):
Quy định rõ cách xác định số lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm trong lĩnh vực TNN
Thực hiện Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 10/1/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023; Chánh Thanh tra Sở TN&MT đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-TTr ngày 16/8/2023 về thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và TNN đối với 19 đơn vị có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Kết quả thanh tra cho thấy, hành vi vi phạm chủ yếu của các đơn vị là việc không thực hiện báo cáo định kỳ hằng năm về tình hình khai thác, sử dụng TNN; qua đó, áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 đơn vị với số tiền 12 triệu đồng. Nhìn chung, qua kiểm tra đã giúp các cơ sở nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, TNN trong quá trình hoạt động; các đơn vị cũng đã nhận ra những sai sót, vi phạm và hợp tác khắc phục vi phạm, khuyết điểm.
Đối với Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN do Bộ TN&MT đang lấy ý kiến, Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung của Dự thảo Nghị định. Đồng thời, đề nghị xem xét, bổ sung, chỉnh sửa nột số nội dung của Dự thảo Nghị định, cụ thể: “Bổ sung cụm từ “không có giấy phép” tại khoản 5 Điều 27 đề nghị viết lại là: “5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi khai thác nước dưới đất không có giấy phép với lưu lượng trên 10m3/ngày đêm đến dưới 30m3/ngày đêm.”
Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung hình thức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 28 Dự thảo Nghị định đối với hành vi “Thực hiện không đúng các nội dung quy định trong giấy phép TNN” để phù hợp với quy định về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quy định tại điểm k khoản 2 Điều 42 của Dự thảo Nghị định.
Đồng thời, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định rõ cách xác định số lợi bất hợp pháp có được (khối lượng nước đã khai thác trong thời gian thực hiện hành vi vi phạm) do hành vi vi phạm trong lĩnh vực TNN quy định tại khoản 5 Điều 4 của Dự thảo Nghị định đối với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm không lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát lưu lượng nước (không lắp đặt đồng hồ nước, không mở sổ theo dõi…) nên không có cơ sở xác định khối lượng nước đã khai thác trong thời gian thực hiện hành vi vi phạm.
Nguyễn Quỳnh - Thu Thủy - Nguyễn Nga - Thanh Tùng (ghi)