Ngày 23/5/2008, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 593/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án thành lập Khu BTTN Mường Nhé với tổng diện tích là 45.581 ha, nằm trên địa bàn 5 xã biên giới của huyện Mường Nhé bao gồm: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè.
Cán bộ Khu BTTN Mường Nhé điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH tại Khu Bảo tồn |
Những năm qua, trong các đợt khảo sát, Khu BTTN Mường Nhé đã ghi nhận được tổng số 210 loài chim thuộc 13 bộ và 46 họ; 28 loài bò sát, lưỡng cư thuộc 2 lớp, 2 bộ và 10 họ (trong đó có 9 loài hiện mới được xác định tới giống). Tiến hành chụp ảnh 81 loài chim, quay phim 31 loài; 26 loài bò sát, lưỡng cư là tư liệu cho khu BTTN; thực hiện thu thập 320 mẫu vật các loài chim và 244 mẫu vật các loài bò sát, lưỡng cư thông thường. Ghi nhận 198 loài bướm thuộc 11 họ, 103 giống.
Hệ sinh thái rừng ở Khu BTTN Mường Nhé nằm trong thảm thực vật nhiệt đới, á nhiệt đới với 742 loài thực vật. Trong đó, có 27 loài thực vật như: Pơ mu, dổi, trầm hương, lát hoa... và 67 loài động vật như: Gấu ngựa, nai, linh trưởng, voọc xám, tê tê, công… nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Kết quả nghiên cứu sơ bộ về các loài thú nhỏ và lưỡng cư ghi nhận thêm 10 loài thú nhỏ, 11 loài bò sát và 17 loài lưỡng cư trong Khu BTTN Mường Nhé.
Khu BTTN Mường Nhé thả 1 cá thể Khỉ mặt đỏ (quý hiếm) về rừng |
Ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Khu BTTN Mường Nhé cho biết: Công tác bảo tồn đa dạng sinh học là giải pháp quan trọng trong quản lý, bảo vệ động, thực vật hoang dã. Đơn vị đã thường xuyên rà soát, thống kê kịp thời tình trạng các loại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp quý hiếm. Khu Bảo tồn cũng là nơi tiếp nhận các cá thể động vật hoang dã do cá nhân, tổ chức giao nộp. Sau khi tiến hành đánh giá tình trạng sức khỏe theo quy định, các cá thể đảm bảo đủ điều kiện được Khu Bảo tồn phối hợp với các cơ quan trên địa bàn tổ chức tái thả về môi trường sống tự nhiên trong lâm phần Khu BTTN Mường Nhé. Trong năm qua, Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé đã tiếp nhận và tái thả thành công 20 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm gồm: 16 cá thể rùa (15 cá thể Rùa núi viền, và 1 cá thể Rùa đầu to), 2 cá thể Khỉ mặt đỏ, 1 cá thể Khỉ đuôi lợn và 1 cá thể Khỉ mặt vàng.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH tại Khu BTTN Mường Nhé còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn do cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đáp ứng được nhu cầu; đời sống nhân dân trong vùng đệm còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán canh tác lạc hậu nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Cùng với đó, tình hình dân di cư tự do vào rừng để phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản và săn bắt động vật rừng trái phép ở một số xã vùng đệm vẫn đang diễn ra.
Tăng cường bảo vệ rừng và ĐDSH cho nhân dân các xã vùng đệm tại Khu BTTN Mường Nhé |
Ông Diệp Văn Chính cho biết thêm: Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH cho người dân sống trong vùng đệm. Ứng dụng công nghệ thông tin và GIS vào công tác điều tra, giám sát ĐDSH. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn thực hiện hiệu quả hoạt động tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, có chính sách phù hợp, thu hút sự đầu tư, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước cũng như quốc tế trong việc thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học tại Khu Bảo tồn, đặc biệt là các đề tài, dự án bảo tồn các loài động, thực vật quý, hiếm có giá trị bảo tồn cao. Tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông, môi trường và cán bộ làm công tác bảo tồn. Tăng cường các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn ĐDSH, kiểm soát và bảo vệ các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm.