Khốn đón vì khô hạn: Nguy cơ mất trắng

01/08/2019 11:25

(TN&MT) - Hạn hán đang làm đảo lộn cuộc sống của hầu hết những vùng dân cư từ miền Trung đến toàn vùng ĐBSCL. Thiếu nước tưới tiêu, xâm mặn đang từng ngày đe dọa đến an sinh xã hội…

Phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất

Từ đầu vụ sản xuất Hè Thu 2019, ở toàn khu vực Trung Bộ, nắng nóng liên tiếp xảy ra, cùng với đó, sự thiếu hụt lượng mưa, nên một số tỉnh đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng khiến hàng chục nghìn ha lúa và cây màu tiếp tục phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thậm chí, có diện tích mất trắng.

Theo Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), do tác động của hiện tượng El Nino, từ tháng 4 đến tháng 7/2019, khu vực Trung Bộ đã xuất hiện nhiều đợt nắng nóng diện rộng. Điển hình là đợt nắng nóng từ 3/6 - 1/7 là một trong những đợt kéo dài nhất trong 30 năm qua tại khu vực này. Nhiệt độ trung bình các tháng phổ biến đều cao hơn từ 2 - 3oC so với trung bình nhiều năm (TBNN).
 

T8b
Nhiều diện tích lúa, hoa màu đang chịu ảnh hưởng của hạn hán. Ảnh: MH

Cùng với nắng nóng, gió phơn Tây Nam hoạt động mạnh khiến độ ẩm không khí ở mức thấp, trong khi lượng bốc hơi trong các tháng 4, 5, 6/2019 đều cao hơn TBNN từ 20 - 30%. Mực nước trên một số lưu vực sông đã xuống thấp nhất lịch sử, một số hồ chứa xuống dưới mực nước chết.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), tình trạng trên đang khiến hơn 28.000 ha lúa và cây trồng ở toàn Trung Bộ lâm vào tình cảnh hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Nghiêm trọng nhất là tại Nghệ An với khoảng 6.200 ha, tỉnh Phú Yên hơn 5.700 ha, Bình Định có hơn 4.000ha… Hàng nghìn ha chịu hạn nặng đã hoặc đang có nguy cơ mất trắng. Bên cạnh đó, số hộ dân thiếu nước sinh hoạt đã lên tới hơn 100.000 hộ.

Để phù hợp với tình hình nguồn nước, các địa phương đã chủ động điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa. Điển hình, khu vực Bắc Trung Bộ giảm so với năm 2018 khoảng 4.800ha, so với năm 2017 là 10.700ha; trong đó, một số tỉnh có diện tích giảm lớn như Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.

Khu vực Nam Trung Bộ so với năm 2018 giảm khoảng 2.600ha, so với năm 2017 giảm 7.000ha do không có nước tưới. Đơn cử như tại Ninh Thuận, hiện, đang có hơn 1.500 ha đất sản xuất nông nghiệp phải ngưng sản xuất, thậm chí, cũng không thể chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày hay dài ngày hay Bình Thuận giảm 6.000ha sản xuất do không có nước…

Tìm giải pháp “sống chung”                  

Tổng cục Thủy lợi cảnh báo, đến cuối mùa khô, khu vực Bắc Trung Bộ dự kiến sẽ có khoảng 14.900 ha lúa và cây trồng bị ảnh hưởng. Còn với Nam Trung Bộ, trường hợp nắng nóng kéo dài đến cuối tháng 8, sẽ có hơn 50.000 ha lúa và cây hằng năm có nguy cơ chịu ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước. Nếu nắng nắng nóng kéo dài đến giữa tháng 8/2019, con số này giảm xuống còn khoảng 40.000 ha. Địa phương dự báo sẽ bị hạn hán nặng như: Quảng Nam 19.800ha, Quảng Ngãi 13.000ha, Bình Định 10.000ha, Phú Yên 5.000ha... chủ yếu là cây lúa và cây màu.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: Đối với những vùng được tưới từ các hồ chứa thủy điện, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan, để trong mùa khô, đặc biệt ở những hồ chứa cạn nước cần ưu tiên 100% nước cho nông nghiệp ở hạ du, trong đó, phải dành nước cho sản xuất nông nghiệp và những ngành kinh tế khác.

Ông Tỉnh cũng lưu ý, tại các tỉnh Tây Nguyên, chỉ có 20% diện tích cây trồng trong vùng được sử dụng nước thủy lợi. 80% diện tích còn lại có nguy cơ hạn rất cao vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên. Do đó, các tỉnh trong khu vực cần quan tâm các giải pháp phòng chống hạn, đặc biệt, khuyến khích sử dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm, nạo vét kênh mương, tích nước ở các đập tràn...

Thích ứng với tình hình hạn hán khốc liệt đã và đang diễn ra, ông Nguyễn Như Cường, Quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Gần đây, Cục Trồng trọt khuyến khích các địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước. Trước tình hình nắng nóng có thể tiếp tục kéo dài, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tiến hành cơ cấu lại thời vụ, cơ cấu lại giống cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trước tình hình nắng nóng gay gắt và dự báo còn kéo dài, Tổng cục Thủy Lợi, Bộ NN&PTNT vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương kiểm soát chặt chẽ độ mặn ở vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn trước khi lấy nước, tổ chức đóng, mở các cống ở các cửa sông hợp lý để giữ ngọt, ngăn mặn; tranh thủ tích trữ nước vào các các ao đầm, kênh tưới, kênh tiêu. Được biết, nhiều địa phương đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị thủy nông hỗ trợ máy bơm lưu động, bơm hút nước từ hồ đập, kênh dẫn đưa về chân ruộng phục vụ tưới dưỡng lúa cho bà con; đồng thời, triển khai thực hiện nạo vét kênh dẫn và kênh trữ nước để dâng nước cho các trạm bơm hoạt động.

 

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khốn đón vì khô hạn: Nguy cơ mất trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO