Khởi tố thủ phạm chặt phá gần 3.000m2 rừng thông đặc dụng ở Huế

18/10/2017 00:00

(TN&MT) - Vì tự ý đem bán gần 3.000m2 rừng thông đặc dụng tại phường An Tây (TP. Huế), cơ quan công an đã khởi tố đối tượng Võ Văn Tý về hành vi “Hủy hoại rừng”.

Hiện trường vụ chặt phá rừng thông đặc dụng tại phường An Tây- TP. Huế
Hiện trường vụ chặt phá rừng thông đặc dụng tại phường An Tây- TP. Huế

Liên quan đến vụ việc “Rừng thông đặc dụng ở phường An Tây - TP. Huế bị chặt phá” mà báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã và đang thông tin, ngày 18/10, Cơ quan CSĐT Công an TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, sau một thời gian điều tra, đơn vị đã xác định được đối tượng và đưa ra khởi tố.

Theo đó, công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Võ Văn Tý (54 tuổi, trú đường Thiên Thai, phường An Tây, TP. Huế) về tội danh “Hủy hoại rừng”.

Kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy, biết ông Võ Văn Tý có rừng keo ở phía sau nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn (khu vực 5, phường An Tây) cần bán, ông Trần Quang Thành (41 tuổi, trú tổ 12 phường Thủy Phương, Thị xã Hương Thủy, làm nghề thợ mộc) đã đến liên hệ để mua vào cuối tháng 7/2017.

Sau khi có sự thỏa thuận, ông Thành đồng ý mua vườn keo nói trên với số tiền 15 triệu đồng rồi thuê 6 nhân công đến đốn hạ cây.

Giá trị rừng thông bị chặt phá là 252 cây, với gần 3.000m2
Giá trị rừng thông bị chặt phá là 252 cây, với gần 3.000m2

Khai thác xong số gỗ keo trên, ông Thành đặt vấn đề nếu ông Tý còn diện tích rừng nào nữa thì bán cho mình. Ông Tý đã chỉ rừng thông gần đó và nói “nếu chú mua thì anh bán luôn rừng thông liền kề cạnh đó”. Đồng thời đảm bảo với ông Thành rằng cứ yên tâm đốn hạ và vận chuyển...

Ông Thành đã tin lời của ông Tý và đồng ý mua số gỗ thông và gỗ keo nói trên với giá 20 triệu đồng. Số gỗ thông trên được ông Thành cho thợ cưa từng khúc dài 2m và mang đi bán.

Phát hiện được sự việc, UBND phường An Tây đã đến hiện trường tìm hiểu và có đơn trình lên Công an TP. Huế.

Qua quá trình điều tra, công an đã thu giữ 153 khúc gỗ thông và 68 tấm gỗ đã cưa xẻ. Đồng thời, trưng cầu Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Trung trung bộ để tiến hành xác định diện tích, thời điểm, loại rừng, số lượng cây bị chặt và sản lượng gỗ bị chặt phá...

Một số khúc thông còn sót lại ở hiện trường
Một số khúc thông còn sót lại ở hiện trường

Cơ quan chức năng xác định diện tích rừng thông bị chặt phá là loại rừng đặc dụng, diện tích bị phá gần 3.000m2 trong khoảng thời gian 30/7- 14/8/2017. Hội đồng định giá tài sản xác định giá trị rừng thông bị chặt phá 252 cây với khối lượng 51m3, số tiền thiệt hại gần gần 90 triệu đồng.

Tại cơ quan công an, ông Võ Văn Tý đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm pháp của mình. Cơ quan công an cũng xác định diện tích đất và rừng thông tại khu vực 5, phường An Tây là thuộc sở hữu của UBND phường An Tây. Việc ông Tý nói là rừng thông của mình để bán cho ông Thành là trái pháp luật...

Với những điều trên, theo Bộ luật hình sự thì hành vi của ông Võ Văn Tý bán rừng thông đặc dụng cho ông Thành với diện tích gần 3.000m2 đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại rừng”. Riêng đối với ông Thành thì chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật... Hiện cơ quan điều tra cũng áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Tý.

Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã thông tin, thời gian gần đây, hàng ngàn m2 rừng thông đặc dụng có tuổi đời hàng chục năm tuổi ở phường An Tây (TP. Huế) đã bị chặt phá, gây bức xúc cho người dân.

Chính quyền phường An Tây đã cho cắm biển cấm chôn cất và xây dựng thêm lăng mộ tại khu vực rừng thông bị chặt phá...
Chính quyền phường An Tây đã cho cắm biển cấm chôn cất và xây dựng thêm lăng mộ tại khu vực rừng thông bị chặt phá...

Quan sát của PV tại hiện trường, có hàng trăm gốc với đường kính khoảng từ 20-25cm bị đốn hạ, chặt phá, những dấu cưa đã cũ nằm la liệt với những gốc cây nằm trơ trọi. Xung quanh có nhiều cành, lá thông đã khô, nhiều vỏ cây thông đã lột vỏ. Nhìn bao quát thì như một đồi trọc, rất trống trải... Cách khu vực rừng thông bị đốn hạ khoảng 15m có một đường dân sinh vừa lối cho xe tải chở cây đi lọt vào.

Ông N. Q.C. (63 tuổi, trú tổ 10, khu vực 5, phường An Tây) cho biết, sự việc diễn ra cũng đã lâu. “Khi tôi đến hỏi các ông là ai mà đến cưa những cây thông này thì họ nói là người của Lâm trường Tiền Phong. Nghe thế thì tôi nghĩ là làm ăn đúng luật nên tôi đi về...”- ông C. nói.

Một người dân khác sống cạnh khu vực rừng bị chặt phá cho hay, thời gian vận chuyển trong vòng cở 2 tuần, hằng ngày luôn nghe tiếng cưa và tiếng xe vận chuyển gỗ nhưng cứ nghĩ là có giấy tờ hợp pháp nên không thắc mắc gì...

Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Phương Mai- Chủ tịch UBND phường An Tây cho biết diện tích rừng thông nhựa trồng vào khoảng 1986 đến 1989, do phường quản lý. Bà Mai thừa nhận, sự việc xảy ra trên địa bàn phần nào có trách nhiệm của chính quyền địa phương vì phường là đơn vị chủ rừng trong công tác giám sát, kịp thời phát hiện để ngăn chặn các hành vi vi phạm nhưng không thể quán xuyến được...

“Hiện tại khu vực bị chặt phá thì phường đã cho cắm biển cấm xây dựng thêm lăng mộ...”- bà Mai nói.

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục tìm hiểu sự việc.

Bài & ảnh:Văn Dinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi tố thủ phạm chặt phá gần 3.000m2 rừng thông đặc dụng ở Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO