Bất động sản

Khơi thông nguồn vốn để “giải cứu” các DN BĐS

Thuỳ Linh 13/11/2023 - 17:58

Sáng 13/11, Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Xây dựng đã triển khai Hội nghị đánh giá Công điện số 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ rà soát đánh giá tình hình thị trường bất động sản và tín dụng bất động sản.

Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Trong đó, tín dụng bất động sản (BĐS) tập trung vào mục đích tiêu dùng, tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản (BĐS).

“Tín dụng kinh doanh BĐS đã có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành Ngân hàng và các Bộ, ngành, địa phương trong việc gỡ khó vướng mắc cho thị trường BĐS đang dần phát huy hiệu quá. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhà ở”, bà Hà Thu Giang cho biết.

van-phu-invest-3-1-1-.jpg
DN BĐS đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thị trường BĐS vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có vướng mắc kéo dài về hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng; sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế.

Hiện, nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh; năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà, các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; mặt bằng giá nhà ở cao so với khả năng tài chính và mức thu nhập của nhiều người dân...

Để góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, cần thực hiện các giải pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp tục xử lý, giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý với lĩnh vực BĐS; phát triển thị trường vốn trung – dài hạn; đồng thời tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại các văn bản như Nghị quyết 33/NQ-CP, Công điện số 993/CĐ-TTg.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, hiện nay, số liệu thống kê khảo sát cho thấy, tỷ suất lợi nhuận ngắn hạn của ngành bất động sản chiếm 14%, trái phiếu chiếm 8,5%, vàng là 6,5% và tiền gửi chiếm 6%. Như vậy, với tỷ suất lợi nhuận 14%, có thể nói bất động sản luôn là kênh đầu tư hấp dẫn trên thị trường. Do đó, xu thế chung của thị trường là nguồn tiền nhàn rỗi thường sẽ tìm về bất động sản. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản vẫn đang trầm lắng là do lực cầu của nền kinh tế vẫn yếu đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của thị trường bất động sản nói chung. Mặt khác những sản phẩm hiện có trên thị trường lại không đáp ứng được đúng phân khúc thị trường cần và điều này dẫn tới hiện tượng tồn kho tại nhiều công ty bất động sản.

Để thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững và thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội thì NHNN cần có chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, cụ thể là về quy trình, hồ sơ, thủ tục vay tín dụng ngân hàng; lãi suất và tài sản đảm bảo.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Đính nhận định, tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam hiện rất lớn, do đó cần tổ chức truyền thông, tuyên truyền. Trong đó, nhất quán quan điểm của Chính phủ để nỗ lực khôi phục thị trường, không hình sự hoá các giao dịch dân sự về bất động sản hỗ trợ tái cấu trúc lại thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trước mắt. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần cam kết một khoản ngân sách lớn hỗ trợ lãi suất và gia hạn cho các khoản tín dụng đạt chuẩn, ít rủi ro mà các ngân hàng đã cấp cho doanh nghiệp phát triển bất động sản hoặc người mua nhà để ở nhưng tạm thời mất thanh khoản do thị trường khó khăn.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các địa phương cũng cần hỗ trợ một cách nhanh nhất cho doanh nghiệp để hoàn thiện pháp lý tài sản, pháp lý dự án. Từ đó sẽ giúp giảm thiểu rủi ro thế chấp dự án, thế chấp tài sản cho hệ thống ngân hàng, gia tăng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo sự tin tưởng, giảm thiểu rủi ro pháp lý tài sản cho người mua nhà ở tại các dự án đang hình thành.

Để thị trường bất động sản phát triển ổn định trở lại cả trong ngắn hạn và dài hạn, các cơ quan quản lý cần tập trung tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, tập trung vào khôi phục lòng tin trên thị trường và hỗ trợ “nóng” thanh khoản cho cả cung và cầu bất động sản trong ngắn hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông nguồn vốn để “giải cứu” các DN BĐS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO