Khoa học công nghệ đang góp phần nâng cao sức chống chịu với BĐKH

26/05/2015 00:00

(TN&MT) - Sau gần 5 năm triển khai, Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH do Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện, các đề tài nghiên cứu đã và đang góp phần đánh giá và dự báo các tác động của BĐKH, nước biển dâng, đồng thời đó cũng là cơ sở để đề ra các biện pháp giảm thiểu và thích ứng BĐKH, nâng cao sức chống chịu của hệ sinh thái tự nhiên và con người.

Thiết thc và sâu sát

Chương trình đã triển khai được tất cả 5 nội dung chính với 48 đề tài tập trung nghiên cứu các vấn đề cơ bản, cung  cấp kiến thức và hiểu biết về hiện tượng, bản chất khoa học của BĐKH;  Xác lập cơ sở khoa học cho việc lập quy hoạch, thiết kế hệ thống giám sát và cảnh báo sớm về khí hậu và BĐKH, các đối tượng dễ bị tác động nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, năng lực quản lý trong ứng phó với BĐKH. Qua đó, đề xuất định hướng công nghệ, chính sách và các giải pháp thích ứng, giảm nhẹ BĐKH trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia hứng chịu những thiệt hại nặng nề do BĐKH gây ra. Đồng thời, các đề tài nghiên cứu còn xác định cơ sở khoa học cho việc tích hợp vấn đề BĐKH vào quy trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch của từ quốc gia cho tới cấp địa phương, trong đó chú trọng phân tích và đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội trong các giải pháp. Đánh giá về kết quả này, ông Nguyễn Đắc Đồng, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ TN&MT) cho biết: “Các đề tài Chương trình đã tiếp cận đến đời sống thực tế sâu sát hơn, toàn diện hơn và chủ động hơn. Môi trường nghiên cứu dân chủ, nhờ đó tính tranh luận, phản biện và sáng tạo được nâng lên, kết quả nghiên cứu mang tính khách quan hơn và dần thoát ra khỏi tình trạng “lý luận suông”, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập.

 

Đề tài nghiên cứu KHCN đã và đang góp phần đánh giá và dự báo các tác động của BĐKH. Ảnh: MH
Đề tài nghiên cứu KHCN đã và đang góp phần đánh giá và dự báo các tác động của BĐKH. Ảnh: MH

Trên thực tế, các đề tài đã “phổ rộng” hầu hết các lĩnh vực, khu vực chịu tác động sâu sắc nhất của BĐKH. Ở mỗi lĩnh vực, khu vực đều có những đề xuất đúng, trúng cho các hoạt động ứng phó đồng thời tìm ra  giải pháp ưu tiên. Ví như tại đồng bằng sông Cửu Long, các đề tài nghiên cứu đã đánh giá được nguyên nhân làm xâm nhập mặn, đề xuất giải pháp thích ứng và sử dụng tài nguyên nước hợp lý. Đặc biệt đã đề xuất được mô hình hệ thống giám sát tác động của BĐKH và nước biển dâng  tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hay đối với các hoạt động nông nghiệp của Việt Nam, các đề tài đã tập trung nghiên cứu, đánh giá hiện trạng sản xuất, diễn biến, xu hướng tác động và mức độ tổn thất của nông nghiệp do BĐKH. Qua đó, dự báo sự thay đổi về diện tích, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của một số cây trồng chủ lực như ngô, lúa, đậu tương, mía và nuôi  trồng thủy sản, từ đó đã đề xuất các giải pháp giảm thiểu thiệt hại do tác động của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, qua các  đề tài nghiên cứu, đã chọn được giống lúa thích ứng với BĐKH trong điều kiện chịu hạn; xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất cho cây trồng chủ lực tại các vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long; xây dựng đánh giá về lợi ích kép về môi trường của các hoạt động giảm nhẹ phát thải thông qua cải thiện quản lý chất thải; giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm ứng phó BĐKH các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ...

Tiếp tc bước nhng bước đi đúng

Nhận xét về những đóng góp của Chương trình nghiên cứu KH đối với hoạt động ứng phó BĐKH của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai cho rằng:  Việc xây dựng và triển khai Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về BĐKH đã bước đầu có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện những giải pháp đề ra trong Nghị quyết 24 – NQ/TƯ, là một bước đi hết sức đúng đắn, huy động được số lượng lớn các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu của nhiều Bộ, ngành, các tổ chức nghề nghiệp và mối quan tâm của toàn xã hội trong công tác nghiên cứu khoa học về BĐKH.

Tuy nhiên, để khắc phục tồn tại những hoạt động của Chương trình giai đoạn 2011 – 2015 và nâng cao hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, ông Nguyễn Đắc Đồng đề xuất: Cần xác định mục tiêu có trọng tâm, trọng điểm, từ đó xác định cụ thể các nội dung nghiên cứu và sản phẩm phù hợp, phải bao trùm được hết các khối lượng đề ra theo mục tiêu của Chương trình; sự phối hợp giữa các đơn vị thực hiện đề tài cần tăng cường hơn nữa. Các đơn vị thụ hưởng đề tài cũng cần được tham gia thực hiện đề tài, tham gia Hội thảo, tọa đàm để từng bước sử dụng sản phẩm, tránh tình trạng “nghiên cứu xong cất vào ngăn kéo”. Công tác triển khai thực nghiệm cũng cần làm trong thời gian đủ dài, trước khi đưa ra đánh giá về chất lượng sản phẩm và khả năng ứng dụng sản phẩm. Đối với các sản phẩm công bố quốc tế, rất cần sự quan tâm và đẩy mạnh tuyên truyền về nâng cao vài trò, vị thế của Việt Nam trong hoạt động ứng phó BĐKH trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Bộ TN&MT dự kiến sẽ đề xuất tiếp tục triển khai Chương trình KHCN cấp quốc gia Khoa học và công nghệ phục vụ ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2020”. Để nâng cao hiệu quả chương trình này, ngay từ khi “khởi động” cần có cơ chế khuyến khích các đề tài mở, mới có tính ứng dụng cao trong thực tiễn quản lý Nhà nước và hoạt động điều tra cơ bản về TN&MT của các đơn vị thuộc Bộ, địa phương và thường xuyên giám sát ứng dụng kết quả nghiên cứu trong thực tiễn hoạt động của ngành TNMT; yêu cầu bắt buộc đối với một số chỉ tiêu của chương trình như đăng báo, đào tạo; có cơ chế khuyến khích đăng báo để quảng bá và tạo diễn đàn góp ý rộng rãi vào kết quả nghiên cứu của đề tài; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ trong quá trình triển khai các đề tài nghiên cứu...

Kim Liên 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoa học công nghệ đang góp phần nâng cao sức chống chịu với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO