Khí thế vươn khơi

Bài và ảnh: Xuân Lam| 26/09/2019 11:00

(TN&MT) - "Sau cơn mưa" trời lại sáng, niềm vui mới lại tràn về, ngoài kia biển đã bừng sáng lên, vẫy gọi ngư dân miền Trung  sau bao nỗ lực làm sạch biển của con người. Và chính họ - những ngư dân trần với nắng, với gió lại tiếp tục hành trình "theo đàn có lội"...mang về những chuyến tàu no cá về quê hương.

Theo đàn cá lội…

Tháng Chín Thu về, miền Trung xanh vợi. Những chái nhà cắt nóc liêu xiêu theo dòng nước bạc, những tấm lưng trần ngư phủ phơi gió sương, bốn bề lồng lộng liêu trai. Xa khơi, phù sa đổ đầy theo đàn cá lội. Biển đã vẫy gọi ngư dân miền Trung sau bao nỗ lực làm sạch biển của con người.

Chiều Thu trên cầu Cảng số 3 (Âu thuyền Thọ Quang - Đà Nẵng), hàng chục tàu cá của ngư dân miền Trung vào neo đậu chờ bán hải sản. Những con tàu làm nghề lưới rê, lưới bùng nhùng, chụp mực... nổ máy chờ đến lượt mình cân hải sản. Dưới các hầm cấp đông, các loại cá to đánh bắt từ biển Đông được xếp gọn gàng; một số loại nhỏ hơn được xếp vào các khay cá.

Bien3
Đời ngư phủ lắm bất trắc, hiểm nguy... song với họ, biển cả là Tổ quốc, là chủ quyền thiêng liêng

Hai tàu cá của “lão ngư” Lê Văn Xin (quận Sơn Trà) vào cảng từ sớm để cân cá cho các thương lái; một phần đem lên chợ hải sản để bán kiếm lời. Ông cho biết, hai tàu cá có công suất trên 500CV/tàu hành nghề chụp mực phía Tây Bắc ngư trường Hoàng Sa. Chuyến đi chừng 10 ngày nhưng mỗi lao động cũng kiếm trên 6 triệu đồng. “Ở Hoàng Sa mùa này hải sản cũng nhiều lắm…”, ông Xin chia sẻ. Sau khi trở về bán hải sản, ông Xin tổ chức “thết đãi” các lao động và cho nghỉ ngơi vài hôm để tiếp tục ra khơi...

Trước đó ít hôm, ngư dân Lê Văn Thìn (quận Thanh Khê) cho tàu trở về để nghỉ trăng. Là một “lão ngư” có nhiều kinh nghiệm đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, nên mỗi chuyến ra khơi ở ngư trường này tàu ông đều khai thác có hiệu quả. Trở về sau chuyến biển hơn một tuần, mỗi lao động cũng kiếm được bạc triệu. Chính vì khai thác có hiệu quả ở Hoàng Sa nên giữa tháng vừa qua, tàu ông Lê Văn Thìn đã trở lại Hoàng Sa với mong muốn chuyến biển đầy thắng lợi.

Vùng biển thị trấn Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) - một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề của sự cố môi trường biển cách đây mấy năm, vào những ngày đầu tháng Chín này, cảnh mua bán các mặt hàng thủy hải sản trở nên tấp nập ở các chợ. Cùng với đó, những nụ cười giòn giã của ngư dân khi trúng đậm những mẻ cá lớn và bán được hàng tươi, ngon. Một thời gian dài để tàu cá nằm bờ, ngư dân Trần Văn Long (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) cho biết, mấy tháng nay đã đi biển trở lại và thu nhập rất đáng kể. Hiện, anh đang rất bận rộn để đóng lại tàu thuyền, sửa soạn ngư lưới cụ, chuẩn bị tiếp tục ra khơi. Gặp tôi, anh Long vội vàng nắm lấy tay: “Tuần trước tui vừa trúng mẻ cá lớn nên vui lắm nhà báo à...”.
 

Bien1
Niềm vui đã trở lại và sẽ nối dài với đời ngư phủ

Tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), hàng chục tàu công suất lớn của ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng… tấp nập vào bờ giao cá cho chủ hàng. Ngoài bến cảng, nhiều tàu đánh bắt “no” cá, mực vào giao hàng nhưng cũng nhiều tàu công suất lớn đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Với ngư dân, không gì vui bằng ra khơi tàu no cá, về cảng tiêu thụ nhanh. Hàng trăm cây đá từ các nhà máy đá Văn Thông, Sơn Trà… “chảy” xuống các tàu. Nước uống, lương thực, thực phẩm cũng được các chủ tàu đưa lên tàu một cách khẩn trương để chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày tại các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

Khát vọng… biển

Thường ngày, hoạt động nghề biển vốn dĩ gặp nhiều khó khăn với sóng gió, bão bùng nhưng ngư dân miền Trung vẫn hướng mũi tàu ra biển. Ở đó không chỉ là nguồn lợi kinh tế mà còn là vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Mặc dù, đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng ngư dân miền Trung vẫn đều đặn ra biển xa, tìm nguồn cá sạch, duy trì, phát triển nghề truyền thống.

Bien2
Cảng cá Thuận Phước và Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) tấp nập tàu cá ra vào

Theo Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, dù có những khoảng thời gian nhiều tàu cá của ngư dân “mắc cạn” bởi nhiều lý do, nhưng lượng hải sản hàng ngày về từ các vùng biển, trong đó, đặc biệt là Hoàng Sa ước đạt khoảng hơn 100 tấn hải sản/ngày. Hiện tại, đa phần ngư dân đã trở lại biển khơi để tiếp tục hành nghề. Trong khi đó, để ngư dân yên tâm hơn trên biển, Hội nghề cá TP. Đà Nẵng đã đề nghị các lực lượng chấp pháp của Việt Nam cần phải thường xuyên có mặt trên biển để hỗ trợ ngư dân khi cần thiết. Lực lượng Biên phòng và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn cũng luôn sẵn sàng các phương án khi ngư dân có yêu cầu. Có như vậy, ngư dân yên tâm để trở thành “cột mốc sống” và là những con “mắt thần” kịp thời phát hiện các hành vi tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của Việt Nam…

Kể từ sau sự cố môi trường biển xảy ra giữa năm 2016, giờ đây, ngư dân các tỉnh miền Trung đã và đang vượt qua vô vàn khó khăn, tiếp tục ra khơi bám biển. Hy vọng một cuộc sống mới tươi sáng hơn sẽ đồng hành cùng ngư dân, với đầy đủ công việc, thu nhập và ấm no cho mọi nhà. Một lãnh đạo của Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cho biết: “Lúc khó khăn nhất cũng là lúc ngư dân cho thấy bản lĩnh của mình. Cùng sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, để tích cực bám biển trong điều kiện khó khăn chồng chất, ngư dân miền Trung đã có nhiều phương cách, đồng lòng cùng nhau trong những chuyến biển xa bờ”.

Biển cả luôn ồn ào và giận dữ, nhưng cũng rất hào phóng ban tặng cho con người nhiều nguồn lợi. Đời ngư phủ lắm bất trắc, hiểm nguy... song với họ, biển cả là mái nhà thứ 2 không thể rời xa…

 

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khí thế vươn khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO