Làm giàu trên những vùng đất khó…
Phù Yên là một trong 62 huyện nghèo thuộc chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, với diện tích đất nông nghiệp toàn huyện trên 6.496ha. Thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La về Đề án phát triển cây ăn quả đến năm 2020, huyện Phù Yên đã tiến hành rà soát, đánh giá, thống kê toàn bộ diện tích đất dốc hiện đang canh tác cây lương thực, các loại cây công nghiệp hiệu quả thấp trên địa bàn để tiến hành quy hoạch chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả.
Xã Mường Thải, huyện Phù Yên với địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, trước đây người dân chủ yếu trồng ngô, chè, hiệu quả kinh tế không cao, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Tuân, bản Văn Yên, xã Mường Thải cho biết: Sau nhiều năm trồng chè nhưng không hiệu quả, năm 2012, ông bắt đầu trồng thử nghiệm giống cam mới, tới nay, vườn cam của ông đã có hơn 1.000 cây cam đường, cam vinh. Năm 2017, trừ chi phí, gia đình thu về khoảng 400 triệu đồng.
Giờ đây, đi dọc các tuyến đường của xã Mường Thải, có thể thấy bạt ngàn những đồi cam sai trĩu quả. Giống cam đường canh, cam vinh đang trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương này. Càng đáng mừng hơn, khi vừa qua, sản phẩm cam Phù Yên đã chính thức được cấp nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc HTX trồng cam Văn Yên, xã Mường Thải khẳng định: Việc trồng cây cam và một số cây ăn quả có múi trên địa bàn xã đã cho thấy kết quả cao hơn hẳn so với canh tác ngô sắn, nhiều hộ dân trong bản đã vươn lên làm giàu từ trồng cây ăn quả. Không chỉ thế, lợi ích của việc trồng cây ăn quả là phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng độ che phủ đất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Ông Phan Quý Dương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Yên cho biết: Năm 2017, toàn huyện Phù Yên đã trồng mới hơn 785ha cây ăn quả, đạt 271% so với kế hoạch. Các loại cây trồng chủ yếu là nhãn chín muộn, xoài Đài Loan, cây cam Vinh, bưởi Diễn, chanh leo, sơn tra… Đây là những loại cây rất phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng của huyện Phù Yên, bước đầu đã cho thấy những hiệu quả kinh tế tích cực, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống người dân, vừa bảo vệ môi trường.
Theo Đề án trồng cây ăn quả đến năm 2020, Phù Yên dự kiến chuyển đổi diện tích đất dốc đang canh tác kém hiệu quả, đất trống thực hiện chủ trương chuyển đổi cây ăn quả là hơn 3.900ha; sản lượng cho thu hoạch đạt hơn 21.000 tấn. Trong đó, có 30% diện tích cây ăn quả, cây trồng mới được công nhận áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; 565ha cây ăn quả an toàn, sản lượng hơn 1.900 tấn quả an toàn.
Hiệu quả từ một chủ trương đúng
Nhận thức rõ hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo, tỉnh Sơn La đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi mạnh mẽ đất trồng cây lương thực kém hiệu quả, đất dốc trồng cây lâu năm ở những vùng có điều kiện thuận lợi sang phát triển cây ăn quả. Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Thông báo số 121-TB/TU ngày 31/11/2015 về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020; Thông báo số 789-TB/TU ngày 24/5/2017 về quy hoạch và phát triển cây ăn quả; Công văn số 2351-CV/TU; 2790-CV/TU về việc trồng cây ăn quả trên đất dốc… HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 về Đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020…
Trên cơ sở đó, qua 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được 4.442 ha đất trồng ngô, 27 ha lúa nương, 336 ha sắn sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao nhận thức cũng như trình độ kỹ thuật canh tác trên đất dốc theo hướng bền vững của nhân dân.
Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, đến hết tháng 11/2017, toàn tỉnh Sơn La có hơn 41.000 ha cây ăn quả, sản lượng ước đạt hơn 198.000 tấn, tăng 68,5% so với năm 2016. Trong đó, có 18.661 ha cây ăn quả được trồng trên đất dốc.
Theo quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh Sơn La, đến năm 2020, diện tích cây ăn quả của tỉnh là 100.000 ha, sản lượng đạt quả 1.112.000 tấn. Do đó, trong thời gian tới, Sơn La đang tiếp tục tập trung chỉ đạo chuyển đổi trên 31.200 ha đất dốc đang canh tác cây lương thực, các loại cây công nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả, gồm 24.150 ha ngô, 1.071 ha lúa nương và hơn 6.000 ha cây công nghiệp khác.
Cùng với đó, tỉnh cũng đang rà soát và ban hành đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả; xây dựng, duy trì và phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn… Sản xuất theo hướng an toàn, tập trung, chuyên canh, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm phù hợp với các tiểu vùng khí hậu, đất đai và tập quán canh tác. Phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học mới như công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất… Xây dựng các chuỗi giá trị gắn với các vùng sản xuất an toàn tập trung nhằm kết nối các thị trường trong nước, từng bước khai thông và mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh từ cây ăn quả.
Việc chuyển đổi, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, bước đầu đã cho thấy hiệu quả tích cực, phủ xanh đất trống, đòi trọc, tăng độ che phủ đất, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.