Khi chính quyền buông lỏng quản lý khoáng sản! Bài 3: Treo biển cấm, đại công trường sản xuất ồ ạt

Bài và ảnh: Nhật Quang - Văn Giáp| 02/06/2020 11:16

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh trong 2 bài trước về những khu mỏ lớn bất chấp pháp luật, lợi dụng kẽ hở để đục khoét tài nguyên, trục lợi bất chính. Phóng viên tiếp tục phát hiện ra 1 khu mỏ rộng lớn đến cả mấy ha, đã bị đào khoét nhiều năm ở vùng giáp ranh giữa huyện Vân Hồ và Mộc Châu. Chủ mỏ có tên là Thuận, nhưng đứng đằng sau là đối tượng Toàn “tổng hợp”, em của 1 quan chức mới về hưu. Toàn “tổng hợp” là ai mà ngang nhiên treo “biển cấm” người dân qua lại…?

Ngang nhiên treo “biển cấm” dân

Trong vai những người đầu tư lên Mộc Châu, cần mua đất sạn để san lấp mặt bằng và làm gạch không nung, nhóm Phóng viên điều tra của Báo Tài nguyên và Môi trường được ông Trần Văn K, gần khu nhà nghỉ Trường Giang cho biết: Hàng ngày, đoàn xe gắn biển “Sơn Tùng”, “Minh Tâm” chuyên bao thầu san lấp trên địa bàn huyện Mộc Châu và Vân Hồ đó là của ông Thuận “tam”, điều hành và khai thác. Nhưng đứng sau là Toàn “tổng hợp”. Các anh muốn mua vật liệu san lấp hay đổ bê tông sạn, cứ liên hệ mỏ đó. Cũng theo ông K, trước đó, dự án nhà máy chế biến nông sản Vân Hồ, nhóm Dũng “trọc” cũng ngang nhiên xúc tung quả đồi cát sạn đi san lấp ở dự án này trong hàng tháng trời mà không bị ai “sờ gáy”.

Theo chân 1 người chạy xe ôm ở địa phương, nhóm PV tiếp cận điểm mỏ của đối tượng có tên là Thuận làm chủ. Khu mỏ này cũng chạy trên trục của vùng đất Trại Tám, Thị trấn Nông trường Mộc Châu, cách điểm mỏ Cường Lý chừng 1 km. Bởi vậy, khi xúc đầy các xe khoáng sản, các xe này đều đi chung nhau tuyến đường của mỏ Trại Tám, trước khi nhập ra QL6 để đi tiêu thụ.

Trao đổi với Phóng viên, anh Mùi Văn H, đang thu hoạch bắp cải và mận gần đó kể: Mấy năm nay, lối đi vào rừng qua gần điểm mỏ của ông Thuận bị chặn lại. Nhưng công nhân của họ dọa gần đó có “kho mìn” nên đừng dại mà vào. Cũng chính vì sợ và thấy biển cảnh báo nguy hiểm nên mấy năm nay, người dân đều tránh xa khu vực này.

Quan sát khu nhà kho và phía trước có tấm biển báo, Phóng viên thấy khu này giống như kho chứa mìn. Vậy ai cho phép họ xây kho, có hay không việc cất giấu “thuốc nổ” ở đây, nếu như lực lượng chức năng địa phương không kiên quyết xử lý?

Khu vực cắm biển cấm của mỏ “Thuận – Toàn”

“Mục sở thị” 1 bãi rộng phía sau, cách khu nhà kho chừng mấy trăm mét, Phóng viên thấy 4 - 5 chiếc máy xúc đang hoạt động hết công suất. Một chiếc máy xúc loại gầu lớn leo hẳn lên gần trên đỉnh đang xúc cào, đào xới để đổ cát sạn xuống. Còn phía dưới, ô tô loại 3 - 4 chân, máy xúc, dàn sàng… đều đang vận hành ầm ĩ. Điều kỳ lạ, mỏ kéo được điện lưới tới đây? Có cả trạm biến áp khủng để vận hành? Đây có phải là việc làm trái nguyên tắc hay không? Vì sao chính quyền huyện Vân Hồ, cán bộ Công an huyện, Phòng TN&MT huyện không biết? Ai chống lưng cho việc làm của khu mỏ này?

Ai “chống lưng” cho đất tặc lộng hành?

Qua điều tra, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường được biết: Khu mỏ do đối tượng có tên là Thuận đang tổ chức khai thác này mới đang ở giai đoạn…. xin phép. Nhưng thực tế, mỏ đã xúc đến cả triệu m3 cát sạn đi bán. Bởi vậy, mới có mặt bằng rộng lớn, vẹt cả góc đồi. Nhưng đối tượng Thuận, chỉ là cổ đông nhỏ. Người “chống lưng” cho ông Thuận này khai thác là Trần Toàn, một người được ví là “ông kễnh” ở đất Sơn La. Nhắc đến Trần Toàn, cách đây mấy tháng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La còn “khiếp sợ” bởi độ “tàn bạo” trong đấu thầu các công trình, dự án… Dư luận đặt ra câu hỏi: Trần Toàn là ai?

Gạch không nung, được sản xuất tại khu mỏ Thuận – Toàn

Qua tìm hiểu được biết, ông Trần Toàn luôn nhảy vào các lĩnh vực, trong các vòng đấu thầu và chất lượng các công trình mà đơn vị này thi công ra sao? Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ phản ánh trong các số báo tiếp theo.

Trở lại vấn đề, cũng bởi tại Trần Toàn là em của 1 “cốp lớn” tại tỉnh Sơn La, nên hầu như dự án nào, điểm mỏ nào có bóng dáng của “gã” là đều “xuôi chèo, mát mái”. Nhiều người dân, nhiều doanh nghiệp, hay quan chức mà nhắc đến Toàn “tổng hợp” đều ái ngại bởi sự hiện thân, giống như băng nhóm Đường “Nhuệ” ở đất Thái Bình.

Tiếp tục điều tra, phóng viên được biết: Không chỉ có tổ chức sản xuất khoáng sản, khai thác vật liệu xây dựng không được cấp phép. Điểm mỏ Thuận - Toàn còn ngang nhiên cho người đến sản xuất gạch không nung với nguồn nguyên liệu sẵn có ngay tại bãi. Mỗi ngày, hàng trăm m3 cho đến hàng nghìn m3 cát sạn, đá dăm được chở đi khắp nơi san lấp. Không cần biết đến sự tồn tại của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Ngụy Thành Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Việc nổ mìn là phải được cấp phép của Sở Công Thương. Sở Công Thương căn cứ trên Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép khai thác khoáng sản… mới được phép cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ. Nếu điểm khai thác này không có Giấy phép mà vẫn nổ mìn, phá đá là trái luật, cần phải khởi tố vụ án, để làm rõ. Cũng theo Luật sư Thắng, đã đến lúc UBND tỉnh Sơn La cần phải chỉ đạo Thanh tra Nhà nước, Công an tỉnh Sơn La làm rõ số lượng tài nguyên khoáng sản ở các điểm mỏ, mà Báo Tài nguyên và Môi trường chỉ ra, hiện mất đi đâu? Không thể nói tự dưng, ai xúc mà mất đi số lượng lớn tài nguyên thiên nhiên đó, mà cãi là không biết.

Bài 4: Khai thác đá toác vạt núi, vẫn chưa thuê đất…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi chính quyền buông lỏng quản lý khoáng sản! Bài 3: Treo biển cấm, đại công trường sản xuất ồ ạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO