Là tỉnh được quy hoạch trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế cả nước, Long An sở hữu nhiều điều kiện, tiềm năng để phát triển kinh tế; tuy nhiên cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng cấp nước chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Theo Quy hoạch cấp nước, đến năm 2020, nhu cầu sử dụng nước sạch của khu vực sẽ lên tới 421.000 m3/ngđ và chạm ngưỡng 735.696m3/ngđ vào năm 2030. Trong khi đó, tổng công suất hiện hữu của các nhà máy nước trên địa bàn mới chỉ đạt 102.200m3/ngđ. Dự báo từ 2 đến 5 năm tới, toàn tỉnh sẽ thiếu hụt khoảng 300.000m3/ngđ và chạm mốc thiếu hụt 600.000m3/ngđ vào năm 2030.
Trước thực tế đó, Nhà máy nước sạch Nhị Thành chính thức khởi công xây dựng và hoàn thành sau 12 tháng gấp rút thi công, trở thành vùng cấp nước chiến lược, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân trong tỉnh. Đồng thời tiên phong trong thực hiện chủ trương của UBND Tỉnh, ngừng 50% việc khai thác nước ngầm, khuyến khích sử dụng nước mặt để dự trữ nguồn tài nguyên nước ngầm, góp phần hạn chế xâm nhập mặn, giảm thiểu sụt lún đất do tác động của biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhà máy nước sạch Nhị Thành lựa chọn nước Rạch Chanh làm nước nguồn cho dự án. Đây là rạch nằm trong quy hoạch nên có lưu lượng nước ổn định với hệ thống đập, cống ngăn mặn hoạt động tốt. Với lựa chọn này, Công ty CP Đầu tư hạ tầng nước DNP Long An – chủ đầu tư và thi công dự án - đã giúp giảm thiểu tối đa rủi ro ô nhiễm nguồn nước, góp phần bảo vệ môi trường và ngăn tình trạng sụt lún cho tỉnh Long An.
Đáng chú ý, Nhà máy nước Nhị Thành tiên phong sử dụng công nghệ Lọc sinh học tiếp xúc dòng chảy ngược uBCF hiện đang được áp dụng tại nhiều nước phát triển trên thế giới. Đây là công nghệ lọc vi sinh kết hợp than hoạt tính để cải thiện chất lượng nước thô mà không cần sử dụng hóa chất. Do đó là giải pháp thân thiện với môi trường và đảm bảo nước sạch đầu ra đạt quy chuẩn cao nhất của Bộ Y tế về tiêu chuẩn nước ăn uống sinh hoạt QCVN 01:2009 BYT. Thậm chí có thể uống được trực tiếp tại vòi, giải quyết thuyết phục thách thức về ô nhiễm, xâm nhập mặn đe dọa đến chất lượng nguồn nước mặt tại Long An.
Ngoài công nghệ lọc sinh học, Nhà máy nước Nhị Thành cũng sử dụng hệ thống lọc si phông hở OSF thân thiện với môi trường được Kobelco (Nhật Bản) nghiên cứu phát triển. Hệ thống này không chỉ tiết kiệm năng lượng mà còn có khả năng loại bỏ các thành phần độc hại trong nước sau xử lý – một vấn đề chưa thực sự được coi trọng tại Việt Nam - như loại bỏ khuẩn Crytosporidium.
Dự kiến, sau khi hoàn thiện, nhà máy sẽ chính thức cấp phát nước cho toàn địa bàn thành phố Tân An và một số huyện thuộc tỉnh Long An như: Thủ Thừa, Tân Trụ, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước cùng các khu vực lân cận khác.
Ông Phạm Tấn Hòa – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Long An cho biết: “Việc DNP Long An đầu tư xây dựng và khánh thành nhà máy nước Nhị Thành đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Tỉnh Long An trong việc huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống nước sạch, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Chính phủ về việc kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực nước sạch. Đồng thời từng bước hạn chế khai thác nguồn tài nguyên nước ngầm, hạn chế xâm nhập mặn và tình trạng sụt lún do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại khu vực.
Mặt khác, qua việc đầu tư hệ thống nước sạch với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, công trình Nhà máy nước Nhị Thành góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trong phát triển hệ thống cấp nước sạch bền vững, có khả năng cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch ổn định, lâu dài, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân trong việc hưởng lợi từ việc sử dụng nước sạch và thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội của Tỉnh Long An bền vững”.
Nhà máy nước sạch Nhị Thành gồm: Công trình thu 700 m2 thuộc địa phận xã Bình Lợi Nhơn, thành phố Tân An; Nhà máy xử lý nước 3,1 ha thuộc xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa; Đường ống D630-900 mm với tổng chiều dài 22 km và các hạng mục công trình phụ trợ khác. Nhà máy có công suất thiết kế 60.000m3/ngày đêm, công suất tối ưu đạt 80.000m3/ ngày đêm và sở hữu chất lượng nước đạt quy chuẩn chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế QCVN 01:2009/BYT. Giai đoạn 1: công suất 30.000m3/ ngày đêm, công suất vận hành tối ưu đạt 40.000m3/ngày đêm. Hạ tầng công trình thu và đường ống D710 cho phát 80.000m3/ngày đêm. Giai đoạn 2: xây dựng cụm công suất 30.000m3/ngày đêm nâng tổng công suất lên 60.000m3/ngày đêm, có thể mở rộng lên đến 80.000m3/ngày đêm. |