Khẩn trương xây dựng văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai 2024: Bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật
(TN&MT) - Bà Đỗ Thị Việt Hà - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang cho rằng, rà soát quy định của Luật Đất đai 2024 có khoảng 104 nội dung Luật giao Chính phủ, Bộ, Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết nội dung Luật.
Đây là khối lượng nội dung rất lớn, rất khó, đòi hỏi các cơ quan trong phạm vi nhiệm vụ được giao phải tích cực, khẩn trương, tập trung nỗ lực rất lớn thực hiện để bảo đảm các văn bản được giao quy định chi tiết phải có hiệu lực đồng thời với Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiều nội dung đột phá
Theo bà Việt Hà, Luật Đất đai 2024 có rất nhiều nội dung mới, trong đó có những nội dung mang tính đột phá, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo đảm thể chế đồng bộ để không chỉ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn ở địa phương mà còn bảo đảm cho việc quản lý, sử dụng đất hiệu quả hơn; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và phát triển đất nước.
Đơn cử, Luật Đất đai 2024 có nhiều đổi mới trong các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất - đây sẽ là nền tảng đưa nguồn lực đất đai làm "đầu vào" cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao như chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, Luật quy định cụ thể giao trách nhiệm thẩm quyền nhiều hơn cho cấp tỉnh; nội dung kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 được phân kỳ, lập lồng ghép và phê duyệt cùng với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Đồng thời, để đảm bảo chủ động, linh hoạt, trách nhiệm, Luật quy định rõ việc quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ (thay vì trước đây là Chính phủ). Như vậy, khi triển khai các dự án, việc chờ Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 5 như Luật Đất đai 2013 về cơ bản đã được giải quyết, đồng thời sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai công tác thu hồi đất ở địa phương.
Đối với nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, Luật đã quy định theo hướng đơn giản hơn, không yêu cầu phải đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất gắn liền với thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân; ngoài ra còn quy định cụ thể một số trường hợp dự án chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được thực hiện mà không phải bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện. Đây là một điểm mới, đẩy mạnh cải cách hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân khi chuyển mục đích sử dụng đất; đồng thời linh hoạt trong tổ chức thực hiện các dự án về công tác thu hồi đất.
Bà Hà lý giải, ở địa phương có nhiều các công trình, dự án phục vụ cho đầu tư hạ tầng, thông qua Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại các kỳ họp chuyên đề, tùy theo khả năng bố trí nguồn vốn trong năm, hoặc các dự án công trình giao thông do các bộ, ngành làm chủ đầu tư nên việc phê duyệt dự án đầu tư, làm căn cứ đưa vào kế hoạch sử dụng đất không chủ động ngay từ đầu năm, trong khi việc thực hiện phải triển khai ngay. Luật Đất đai 2024 đã khắc phục nội dung này, cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, chờ phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất, mới triển khai được các quy trình về bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, Luật quy định cụ thể giao trách nhiệm thẩm quyền nhiều hơn cho cấp tỉnh; nội dung kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 được phân kỳ, lập lồng ghép và phê duyệt cùng với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Đồng thời, để đảm bảo chủ động, linh hoạt, trách nhiệm, Luật quy định rõ việc quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ (thay vì trước đây là Chính phủ).
Đối với các trường hợp chuyển mục đích của hộ gia đình, cá nhân từ đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở, bà Hà cho biết, trước đây, nhiều trường hợp do rà soát thiếu, trường hợp người sử dụng tại thời điểm rà soát chưa có nhu cầu, người dân không nắm được việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất hằng năm để đăng ký... nên thiếu căn cứ để thực hiện chuyển mục đích, đồng thời là nguyên nhân kéo dài thủ tục giải quyết hành chính của người dân. Do vậy việc Luật Đất đai 2024 không yêu cầu phải đưa vào Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất gắn liền với thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân đã khắc phục được những tồn tại này.
Về giá đất, giá tài sản để tính bồi thường, Luật đã bỏ quy định về khung giá đất, đồng thời quy định rõ hơn việc xác định giá đất phải theo nguyên tắc thị trường - đây là thay đổi hết sức quan trọng, là cơ sở pháp lý cho việc xác định giá đất sát với giá thị trường, bảo đảm không quá thấp, không quá chênh lệch, tương đối phù hợp, tăng giá trị đất bồi thường, góp phần cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng được hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn trên cơ sở giá thị trường, không buộc phải tuân thủ một khung giá ấn định bởi cơ quan công quyền.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, xác định giá đất, giá tài sản để tính bồi thường là điểm nghẽn của hàng nghìn dự án, dễ "tạo điều kiện" phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Do đó, việc quy định Bảng giá đất được xây dựng, công bố ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và công bố định kỳ hàng năm, nhất là việc mở rộng các trường hợp áp dụng trong bảng giá đất sẽ giảm bớt thời gian xác định giá, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các cá nhân tổ chức khi thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Quy định cụ thể các phương pháp áp dụng giá đất, trường hợp và điều kiện áp dụng giúp minh bạch về phương pháp, dễ thực hiện cho cơ quan tổ chức làm giá đất.
Nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống
Luật Đất đai có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Để tổ chức thi hành Luật bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, bà Hà cho rằng cần tập trung thực hiện đồng bộ các công việc như: Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc triển khai thi hành Luật. Xác định lộ trình cụ thể để bảo đảm Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành.
Đồng thời cần thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật.
Bên cạnh đó, tập trung, khẩn trương nhưng phải hết sức thận trọng trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật để bảo đảm tính kịp thời, hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất và khả thi. Trong đó, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện các văn bản dưới Luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm vận hành đồng thời khi Luật có hiệu lực thi hành nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, các bộ, ngành cũng phải ban hành các thông tư để quy định, hướng dẫn cụ thể hơn; làm rõ trách nhiệm từng bộ, ngành để người dân giám sát...
Đặc biệt, cần tổ chức thực hiện tốt việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Đất đai 2024 để kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với Luật; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong thi hành pháp luật. Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành.